Đào Hiếu đọc thơ Kiều Mai Ly

Thơ 1

 

NHỮNG BẦY CỪU ĐI VÀO BÃI NẮNG

(Đọc thơ Kiều Maily)

Đài Hiếu

Đào Hiếu

Tôi đọc được thơ của Kiều Maily có lẽ nhờ thói quen, không phải nhờ ngôn ngữ hay cú pháp. Thơ của cô không có ngôn ngữ. Chỉ có những hình bóng kéo về từ quá khứ, từ chân trời, từ cồn cát và biển.

Kiều Mai Lý2

Những vần thơ không ngôn ngữ, có lẽ vì nó bị xoá nhoà, bị chói chang trong ánh lửa của nắng xế.
Làm thơ mà chỉ dùng chữ nghĩa như điểm tựa hư ảo để máng vào những hình ảnh và hoài niệm của quá khứ, chẳng phải tác giả đã thoát ra được cái khuôn khổ tục luỵ của chữ nghĩa sao?
Nếu như âm nhạc có thể rũ bỏ ca từ để hoá thân thành những sonate, những rhaphsody, những symphony … thì khi thơ rũ bỏ được cái xác ve khô rốc của “chữ viết” để chỉ còn giữ lại tiếng kêu ran, thì sẽ làm bừng sáng một mùa Hạ.

Nhưng âm điệu thơ Maily không kêu ran tiếng ve, mà chỉ là lời vọng trầm của cơn gió bị thất lạc từ quá khứ.
Và hình ảnh hiện ra trong đó, lùa vào tâm hồn tôi trực diện, mạnh mẽ, đầy ám ảnh và rung động.
Đọc thơ của cô, tôi không cần biết chữ.
Đó chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên sao?

*

Một bạn trẻ ở thành phố này đã reo lên: “Ô! Đây là lần đầu tiên em thấy một con cừu” vì suốt đời người ấy chỉ thấy xe cộ, nhà cao tầng và những siêu thị.
Nhưng những con cừu vẫn gặm cỏ trên mặt đất, trên thảo nguyên. Chỉ có những con cừu của Maily là đi tìm một giọt nước. Hình ảnh ấy có gì mà làm tôi mủi lòng? Có phải vì thương dân tộc cô, một thuở huy hoàng? Có phải vì thương những con cừu đang đi tìm giọt nước?

Những bầy cừu đi vào bãi nắng
Phan Rang những bầy cừu khờ khạo
cố đi về phía bên kia bãi nắng
với hi vọng bên ấy có cỏ.

Chúng nghĩ rằng bên ấy có nước
những bầy cừu khờ khạo tội nghiệp
đi vào bãi nắng Phan Rang chín tháng
mười lăm ngày không có hạt mưa

Kiều Mai Lý1

Tôi từng ở Phan Rang. Nắng bốc khói. Nhưng tôi chưa từng gặp những con cừu. Lúc ấy tôi còn trẻ và những con cừu của Maily còn ẩn mình trong cổ tích.
Những năm sau này, tôi trở về thành Đồ Bàn, quê tôi (và cũng là của Maily), nhưng nó đã hoang tàn. Không còn gì ngoài sự im lặng. Giá mà tôi có thể nhìn thấy những con cừu của 185 năm trước, khi nhà Nguyễn xoá sổ vương quốc Chămpa, chắc hẳn chúng cũng sẽ miệt mài mỗi hoàng hôn, đi vào bãi nắng với hy vọng nơi ấy có cỏ. Và nước.

Gần hai trăm năm qua, những sinh vật hiền lành ấy đã hoá thân thành những con cừu của Maily, nhưng có lẽ chỉ là những cái bóng. Những cái bóng đi hoài, đi xuyên qua hoàng hôn, xuyên qua khu rừng trắng, xuyên qua những dòng sông khô cạn, chỉ để tìm một giọt nước.

Những bầy cừu đói cỏ
khát nước. Chúng chạy đi để rồi
chạy lại. Những bầy cừu khờ khạo

tội nghiệp, băng qua cánh đồng không
mảnh rừng trắng, băng qua con sông
cạn nước. Những bầy cừu khờ khạo
tội nghiệp.
(NHỮNB BẦY CỪU)

Trong thế giới của Maily có những khu rừng trắng, đó là thực hay hoài vọng, hay chỉ là rừng đã chết?
Và bãi nắng. Bãi nắng màu gì vậy? Có lẽ nắng cũng như ngôn ngữ thơ cô: không màu, vô ảnh, tan chảy trong hiện tại thành một dòng suối thời gian, trôi thầm lặng về cái quá khứ đau buồn của dân tộc cô. Vương quốc Chămpa vĩ đại.

Sao Maily không thấy nhà cửa, phố xá, xe cộ? Sao cô chỉ nhìn thấy đàn cừu đi vào bãi nắng? Và nhìn thấy cá chết.

Tôi nhìn
và tôi quay đi. Bơi
ra xa bờ. Xa mùi

tử thi đồng loại tôi
chết phơi mình trắng bờ.
Biển đã lặng. Sóng đã
yên. Nhiều ngôi nhà đồng

loại tôi bỏ hoang. Tôi
hiểu từ nay lũ cá
đã phải sống sót như
chúng tôi, khó sống hơn,
có lẽ.
(SỐNG SÓT)

Kiều Mai Ly3

Những dòng thơ đau xót, tưởng như thô mộc mà rất hiện đại, bởi lối tạo hình, bởi giai điệu trắc trở như những syncopes trong âm nhạc.
Tiết tấu thơ Maily mang âm hưởng nhạc Rap-không-giai-điệu của những ghetto da màu.

Nhưng lúc cần trữ tình thì cũng trữ tình. Kiểu trữ tình riêng đẫm hương vị Chăm-pa Maily của thế kỷ tiếp nối. Lúc ấy tôi đã chết, Maily cũng chết, và có thể cả nhân loại cũng thành tro than trong chiến tranh nguyên tử cuồng dại. Nhưng bài thơ này thì vẫn còn khắc trên những đám mây phóng xạ đen, che lấp bầu trời và mặt đất.

Loài dế lạc bầy cuối vườn chuối kêu chưa thôi
tiếng kêu tìm bạn tình, có lẽ

Khúc dân ca đầu hôm ai bỏ dở nửa chừng
âm vang lửng lơ trong gió
làm thức giấc mơ hoang

Trên lưng bò còn vương mấy cọng rạ
lũ dê đã về chuồng
dường nắng Phan Rang vừa tắt

Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng
khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm
dáng người đi như nhớ

Anh là một vệt sáng buồn
bước vào đời em làm giông gió

Gác trọ Sài Gòn ai hát khúc Thei mai
hồn người như mộng vỡ.
(KHÚC THEI MAI GIỮA SÀI GÒN)

Kiều Mai Lý4

Và cứ thế, thơ Maily tồn tại ngay cả khi mặt đất không còn loài người. Tồn tại cho cát bụi, nắng gió và bão tố.

Có khi con gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt
rồi trôi về đâu, không biết
có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua
vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa

Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh

Như loài hoa hồng héo rụng mẹ quét vào chiều
cuống khô còn lưa nước mắt
không cách nào ghì níu lại
như cái Út đánh rơi viên bi tuổi thơ
vào quên lãng

Em có thể lục album ảnh cũ để nhận mặt anh
nhưng em đã không
như em không muốn phone để được nghe giọng
cha trầm và ấm
dù không cách nào đánh thức
kí ức đã rất xa.

Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.
(CÓ KHI)

Tôi phải nói gì với thi sỹ?
Tôi sẽ nói: Thưa em, thưa em Apsara giản dị.

Đàn cừu Phan Rang

Ngày 1/9/2017
ĐÀO HIẾU

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.