Mộ gió Lý Sơn

Bút ký du lịch của Trần Công Nhung

logo travel 

MỘ GIÓ LÝ SƠN

Mộ gió Lý Sơn
12439329_1694778564093256_5036157871940175422_n
Lần đầu tiên nghe từ “mộ gió” tôi không rõ lắm. “Chém gió” thì báo chí hay dùng để chỉ những lời nói không “bảo chứng”, nói để lên gân vì lỡ đóng vai trò lớn mà thực lực thì kém cỏi. Những người như thế bình dân còn gọi “ba hoa chích chòe”. Gió đi với bóng thành “bóng gió”, lời nói bóng gió là lời nói ẩn dụ xa xôi, không nói thẳng vào sự việc…vì không ai bắt được bóng, chẳng ai nhốt được gió.
Đây đó có giải thích “mộ gió” là mộ giả, mộ không xác người. Chuyện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981, quần đảo Hoàng Sa (HS) được nhắc đến hằng ngày, và đã nói đến HS là nói đến ngư dân huyện đảo Lý Sơn (LS).
dao-ly-son-18-5-1
vietnam_location_map-svg
dao_ly_son_nhin_tu_xa
Vị trí trên bản đồ Việt Nam
Tọa độ: 15°22′51″B 109°07′3″ĐTọa độ: 15°22′51″B 109°07′3″Đ
Quốc gia  Việt Nam
Vùng Nam Trung Bộ
Tỉnh Quảng Ngãi
Huyện lỵ An Vĩnh
Diện tích
 • Tổng cộng 4 mi2 (10 km2)
Dân số (2003)
 • Tổng cộng 19.695
Múi giờ UTC + 7 (UTC+7)
 
Một trong những vấn đề bất hạnh của dân chài LS là chết không tìm thấy xác. Mấy trăm năm trước (thời nhà Nguyễn) nhiều đội hùng binh nhận lệnh nhà vua ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, hàng năm khi mùa biển êm họ ra khơi hướng đến Hoàng Sa, nhưng lúc không may gặp biển động bất thần, thì toàn đội bị bão tố nhận chìm vào lòng đại dương.
Dân Lý Sơn quanh năm nhờ biển mà sống, biển cũng là mầm tai họa. Ra đi biển lặng lúc về bão tố nổi cơn thịnh nộ, chìm ghe, không một ai sống sót. Người ở nhà đợi chờ mòn mỏi, 5 ngày, 10 ngày, một tháng hai tháng…

“Hoàng Sa trời nước mênh mông,
Người đi thì có mà không thấy về”.

Cuối cùng phải làm lễ phát tang bái vọng ra biển khơi, nguyện cầu cho người thân siêu thoát. Và, để có một hình ảnh tượng trưng, người trên đảo đã tạo những ngôi mộ không xác cho người thân: Mộ gió.
Để hiểu rõ hơn về mộ gió, không gì bằng hỏi ngay những người đã sống ở đảo lâu năm nhất.
Tôi hỏi anh nhân viên tiếp tân nhà nghỉ Đại Dương:
–  Em biết có cụ già nào đã ở đây lâu năm?
–  Có ông Nguyễn Hữu Đạt, báo chí, quay phim thường gặp ổng.
–  Nhà ông Đạt hướng nào, bao xa?
–  Chú đi con đường này xuống phía dưới đây hai trăm mét, hỏi người ta chỉ cho.
Tôi dừng đầu một con hẻm và lần ra nhà ông Đạt dễ dàng. Nhà ông vào sâu vài chục mét trong con hẻm nhỏ, nhà vắng hoe, sân nhiều cây kiểng. Đưa xe vào trong sân, tôi thấy một ông lão đang ngồi bên chiếc bàn con với bình trà. Sau màn chào hỏi và bày tỏ mục đích viếng thăm, ông cụ vui vẻ mời tôi ngồi.
–  Ông ở đâu đến và làm cho báo nào?
Tôi nói ngay sự thật công việc mình để ông lão yên tâm và vào đề:
–  Thưa bác, theo dư luận thì ở Lý Sơn có hàng nghìn mộ gió?
–  Số liệu chính xác thì không ai biết vì đã mấy trăm năm qua, lớp nọ chồng lên lớp kia. Nhưng những mộ trong vòng vài chục năm thì cũng nhiều.
–  Khu nghĩa trang mộ gió ở đâu thưa bác?
– Mộ gió cũng nằm chung với mộ thường, nằm theo triền núi, ông chạy xe một vòng quanh đảo là thấy. Gần đây, phía trên Thánh Thất Cao Đài, ngay chỗ cửa Tò Vò nhìn qua núi có tượng Phật Bà, đó là khu mộ gió.
–  Về hình thức, mộ gió có gì đặc biệt khác mộ thường tnưa bác?
– Khác chỗ mộ gió chỉ có hình nhân nặn bằng đất(1), còn thì ma chay mồ mả không gì khác. Sau 3 năm, người ta xây mả, cũng có bia mộ như bình thường.
– Thưa bác nghe nói ở Lý Sơn có ông Toại chuyên nặn tượng người quá cố và chủ trì lễ mai táng?
– Dân ở đây gọi là thầy cúng, ông Toại chết năm rồi, bây giờ có ông Nữ thay, nhưng ông ta đã vào Nam ở với con. Khi nào có đám lớn mới mời ông về.
Tôi hỏi thêm về chi tiết nặn hình người chết, ông Đạt cho biết, mộ gió trước kia còn có tên “mộ chiêu hồn”. Khi có người đi biển bị bão tố mất tích thì thầy cúng phải đích thân lên núi Giếng Tiền, núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước, để lấy đất sét. Số lượng đất sét phải đủ đắp một hình nhân có kích thước như người thật. Cũng chính vì lý do dùng đất sét nặn hình người chết nên xưa nay người dân Lý Sơn không bao giờ dùng đất sét làm nhà. Tượng nặn xong thì được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật, linh vị đặt trên mặt, cho vào quan tài rồi làm lễ chiều hồn. Một chiếc thuyền (mô hình) với những mâm đồ lễ được thả xuống biển cúng các oan hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi. Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Sau đó hạ huyệt mai táng bình thường. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác. Tục đắp mộ gió của người dân trên đảo đã có từ hơn 200 năm. Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa.
Hỏi thăm về đời sống hiện nay của bác Đạt, ông nói trước đây ông chuyên dịch các tài liệu chữ Hán, những sắc phong của triều đình, nhưng nay đã 82 tuổi, sức yếu, trí óc kém nên thôi. Con cái 10 người, toàn đi làm ăn xa, hai ông bà già ở giữ nhà từ đường. Bác Đạt cũng giới thiệu ngôi nhà rường của bác, đã gần 200 năm, bác là đời thứ tư thừa hưởng. Bộ giàn trò toàn gỗ quí, nhưng có điều hơi lạ, mái lợp trên ngói dưới ván. Ông Đạt giải thích: “Ngày xưa những nhà rường quí, mái lót một lớp ván, trên đổ một lớp đất rồi lợp tranh. Vì lâu ngày tranh mục nên thay ngói. Tôi nghĩ, lối lợp nhà như thế sẽ an toàn khi có bão và mùa nắng cũng mát hơn. Vi kèo, đầu cột tuy chạm trổ không bằng những nhà rường về sau này nhưng rất chắc chắn. Bàn thờ liễn đối khảm xà cừ rất công phu. Gần hai trăm năm qua mà còn nguyên mới. Một món gia bảo hiếm có: Bộ phản gõ 2 tấm dày hơn tấc, rộng 1m, trị giá trên 1tỉ đồng.
Trở lại mộ gió, tôi hỏi thêm:
– Thưa, nhiều tài liệu nói hiện nay còn 3 mộ lớn của những vị chỉ huy hải đội Hoàng Sa thời Gia Long, những mộ ấy giờ ở đâu bác?
– Cách đây vài chục mét, chỗ sửa xe, vào sâu trong xóm có nhà thờ và mộ Võ Văn Khiết. Về phía cảng một đoạn có miếu Âm linh, nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh, xuống nữa có nhà thờ Phạm Hữu Nhật, đều là những người đã mất tích trong khi ra Hoàng Sa làm nghĩa vụ do lệnh các vua triều Nguyễn.
Tôi cảm ơn ông Đạt rồi chạy xem cửa Tò Vò và khu mộ gió. Không xa, chỉ tiếp lên một đoạn đã thấy ngôi thánh thất rất lớn, trên cổng tam quan có hàng chữ: Điện thờ Phật mẫu Lý Sơn. Phía trên điện Phật một quãng, có đám người lố nhố xuống mé bờ biển xem cửa Tò Vò. Đây là cửa vòm do núi đá bị nước biển khoét thành, đá đen chẳng có gì đẹp. Nhìn về hướng Đông có tượng Quán Âm cao lớn sát chân núi, chung quanh lúp thúp những ngôi mộ gió, rải rác có vài mộ xây lớn hơn. Khu nghĩa địa theo hình thức tự nhiên như hầu hết nghĩa địa trong đất liền, không chia lô, không hàng lối, chỗ nào còn đất trống cứ việc mai táng, lớn nhỏ tùy thích. Một khu mộ gió nữa nhiều hơn  ở nghĩa địa dưới chân núi An Vĩnh.
Tình cờ thấy trên TV trong nước đài VTV1 có cuộc phỏng vấn mấy “nhạc sĩ thời nay”, sau khi họ trình bày nhạc phẩm “Mộ gió” do họ sáng tác, tôi ngạc nhiên đến phẫn nộ, một đề tài thương tâm, uất nghẹn như thế mà họ viết theo lối nhạc “giật quần xé áo” (Rock) điên cuồng gào thét đầy chất ma túy. Ấy thế mà trả lời người dẫn chương trình họ lên giọng “thầy đời” để giải bày mớ triết lý trẻ con của mình, không trách tuổi trẻ ngày càng cuồng loạn sa đọa, vô trách nhiệm, vô cảm(2).
Mộ gió đối với người dân Lý Sơn dường như có gì đó linh thiêng hơn, thân thiết hơn, làm cho họ nhớ thương người mất khôn nguôi, chứ không chỉ trong các ngày giỗ chạp. Âu cũng là lẽ công bằng đối với vong linh những hùng binh vì sứ mạng bảo vệ biển đảo mà hy sinh, cũng như những người lo cơm áo cho gia đình mà thân xác vùi sâu nơi biển cả.
Tiếng gió thì thào vào mỗi buổi chiều cứ như lời kể lễ trăn trối, như lời kinh cầu gửi về cõi xa xăm…không thể là tiếng hú hét cuồng nộ của “Cô gái vót chông” trong thời “chống Mỹ cứu nước”, tiếng gào thét đòi hỏi của xác thịt trong nhạc phẩm “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc. Nếu hương linh các hùng binh Hoàng Sa và những hồn oan ngư dân Lý Sơn nghe được, chắc chắn họ khiếp đảm mà cao chạy xa bay!                                                                                     

_______________________________
(1) Các thầy cúng cho rằng cây dâu, con tằm là biểu tượng của dòng sinh mệnh vô thủy vô chung trong trời đất. Tằm ăn dâu, nhả ra tơ, đan thành kén, đẻ ra nhộng, sinh ra bướm, hóa lại tằm, chính vì vậy mà dùng tơ tằm và hom dâu làm gân và xương cốt cho hình nhân. Xương sườn đàn ông 7 nhánh, đàn bà 9 nhánh. Một nắm đất đen lấy chỗ ngã ba đường gần nhà, nhào nước cho dẻo rồi nặn thành lá gan.
Đảo Lý Sơn có một giống cây bông trắng, trái chùm, đốt lấy than làm phổi. Mọi bộ phận trên cơ thể con người: mắt, mũi, miệng, tai, bộ phận sinh dục …đều phải đầy đủ giống như người thật. Số đất sét lấy về phải dùng bằng hết, nếu còn thừa, rơi vãi, đó chẳng khác gì xương thịt của người chết vẫn còn thất lạc. Bước cuối cùng là dùng lòng đỏ trứng gà quét lên khắp hình nhân. Khi trứng khô, trông da tượng như da người thật.
(2) Mộ Gió (nhạc Trịnh Công Lộc – Vũ Thiết)
Mộ gió đây đất đắp thành xương cốt ….cứ gọi lên… là thấy rõ hình hài…
Mộ gió đây …cát vun thành da thịt… mịn màng đi dìu dặt bến trời.
Mộ gió đây ..những phút giây biển lặng.. gió là tay …ôm ấp bến bờ xa…
Chạm vào gió như chạm vào da thịt… chạm vào… nhót buốt…Hoàng Sa!!!
Mộ gió đây ..cứ từng hàng từng lớp… vẫn hùng binh giữ biển đảo xa khơi.
Là mộ gió cứ thổi hoài thổi mãi thổi bùng lên những ngon sóng ngang trời…
Mộ gió đây đất đắp thành xương cốt ….cứ gọi lên… là thấy rõ hình hài……
Theo Viết Thanh (trưởng nhóm) thì “các thành viên sẽ kiên trì theo mãi phong cách rock cũng như tự do theo đuổi không giới hạn những nhánh rẽ của rock… (ghi lại trên Net)!!!

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.