Hoạ sĩ Đinh Cường(bạn của TCS) vừa ra đi
Theo FB của Nguyễn Phú Yên
HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG (Hoa Kỳ) đã ra đi ngày hôm qua 7-1-2016. Thành kính chia buồn với gia đình anh ĐC.
Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, Việt Nam. Đã sống ở Huế, Đà Lạt và Sài Gòn cho tới năm 1989. Hiện ông cư ngụ tại thành phố Burke (ngoại ô thủ đô Washington DC), tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
Ông là cựu học sinh Trường Petrus Ký Sài Gòn (1951-1957), tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Huế năm 1963 và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Quốc gia, Sài Gòn năm 1964. Từng giảng dạy tại Trường Đồng Khánh, và sau đó là Trường Mỹ thuật Huế. Ông đã 25 lần tổ chức triển lãm độc lập và 21 lần tham dự các cuộc triển lãm tập thể trong suốt thời gian từ năm 1965 tới 2006, từng đoạt huy chương bạc liên tiếp hai năm 1962, 1963 tại Triển Lãm Xuân, Sài Gòn và đoạt giải danh dự của Tòa Đại sứ Trung Hoa tại Sài Gòn, Việt Nam.
Tranh Đinh Cường được bày ở Musée D’Art Moderne Paris và triển lãm trên nhiều thành phố ở Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác.
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA ngày 29-8-2005 đã ghi nhận về một buổi triển lãm tranh Đinh Cường tại Houston, Texas: “… Đinh Cường là họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm đầu thập niên 60. Tranh của ông, theo đánh giá của nhiều người thì, đó là những bài thơ được viết bằng mầu sắc và đường nét. Lãng mạn, thơ mộng là đặc tính trỗi bật nhất của thế giới hội họa mang tên Đinh Cường. Những gam mầu của ông dù lạnh hay nóng, vẫn ấm áp, ngân vang niềm hạnh phúc liu điu những chân trời hiu quạnh.”
Một nhà văn đã nhận định về họa phẩm của họa sĩ Đinh Cường như sau: “Đường bay nghệ thuật của Đinh Cường là đường bay của những cánh chim thơ mộng, và lãng mạn xóc, dằn nắng, gió, hương xa. Bằng cả tâm cảm, người ta sẽ nhận ra, trong mỗi tác phẩm của Đinh Cường, đều thấp thoáng những cánh chim Hồng, chim Lạc. Cánh chim tha những hạt kinh Việt Nam, thả xuống cánh đồng nghệ thuật; để từ đấy, thắp lên những thân lúa biếc, xanh, lắng, nghiêm hồn dân tộc. Trên nửa thế kỷ ăn ở toàn thời gian với hội họa, từ trong nước, tới hải ngoại, với những bức tranh từng được trưng bày giữa quảng trường tại hình thế giới, tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn Đinh Cường cùng sáng tác của ông, như một niềm hãnh diện chung – (Và,) do đó, như một thứ tài sản Việt Nam, vậy.”
Phòng trưng bày họa phẩm của Đinh Cường đặt tại số 9826 Natick Road, Burke, VA 22015.

Nụ cười phúc hậu giữa thu vàng
Elena Pucillo Truong
Trương Văn Dân chuyển ngữ từ nguyên tác La tenerezza di un sorriso nell’oro dell’autunno
Đinh Cường – Elena
Ảnh PCH – Virginia, 21.10.2015
Giọt, từng giọt chậm rãi và lặng lẽ chảy… giọt này nối tiếp giọt kia..
Tôi nghĩ đến những giây phút bên nhau. Những mảnh quá khứ như đang trở về từ ký ức với một niềm nhớ khôn nguôi.
Khi chúng tôi gặp và biết nhau ở Đà Lạt trời cũng se lạnh, nhưng không có những màu sắc rực rỡ của mùa thu như ở Washington: Giữa tán lá màu xanh sẫm của các cây tùng, cây bách, những chiếc lá phong và những loại dây leo đặc biệt của vùng bắc Mỹ nổi lên một màu đỏ rực. Một thế giới màu sắc từ vàng đến tím, với những cơn gió làm tung bay những chiếc lá khô rụng xuống, lìa cành, xa gốc.
Những “gamme” màu ấm của mùa thu ngọt ngào làm tôi nhớ đến cái vòng ôm nồng ấm trong niềm vui được gặp lại nhau.
Tôi vừa trải qua một chuyến đi dài, lần đầu đến Mỹ, nhưng điều quan trọng nhất là gặp lại một người bạn vô cùng thân thiết.
Và như thế là ước muốn của tôi đã được thỏa khi bước chân lên thềm nhà của hoạ sĩ Đinh Cường. Một vòng ôm, nhìn thấy nhau thay đổi theo thời gian, duy có nụ cười phúc hậu trên môi anh là không thay đổi; hay đúng hơn, còn nồng ấm hơn vì niềm vui gặp gỡ.
Thăm hỏi nhau một lát rồi anh dẫn chúng tôi đi vào phòng tranh. Tôi có cảm giác là mình vừa bước vào bên trong một chiếc hộp kỳ bí: những khung vải với vài nét vẽ khởi đầu đặt bên những bức tranh vừa hoàn chỉnh, như bức tranh còn đặt trên giá gỗ, cạnh những cây cọ và những hộp sơn. Có những nét vẽ lạnh, màu trắng, xám trộn lẫn với màu xanh dương nhưng cũng có bức vẽ bằng màu nóng, như đỏ, nâu và vàng. Đó chính là màu của những chiếc lá nhìn qua cửa kính từ mái hiên mở ra khu rừng phía bên ngoài. Trong một thoáng, tôi có cảm giác là mình vừa bước vào một ngôi đền, hay đúng hơn, một ngôi chùa trong đó có vị thiền sư đang diễn tả ơn gọi của mình qua những bức tranh.
Làm bạn với anh là những pho tượng Phật đang nhập định, những quyển sách mà anh đã viết về văn học và nghệ thuật, vài tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, và nhiều quyển sách dày nói về các danh họa như Modigliani, Van Gogh. Tôi còn nhìn thấy một bản “Le Petit Prince” của Saint-Exupery bằng tiếng Pháp.
Những đồ vật chung quanh thường thầm lặng nói về ta, từ sự riêng tư hay hiểu biết sâu sắc về hội họa, về giá trị của lòng tôn kính hay về những mối quan hệ bạn bè thân thiết.. và đó là điều mà tôi cảm nhận rõ ràng khi bước vào phòng tranh của anh. Có những bức hình của những người thân, mẹ anh hay các cháu đang nô đùa. Những bức hình khác là những nụ cười hiền hòa của anh bên cạnh vài người bạn thân thiết trong đời, như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với điếu thuốc không thể thiếu giữa hai kẽ tay, Bùi Giáng với đôi mắt tinh anh và sống động đặt bên cạnh khuôn mặt trầm tư của danh họa Picasso.
Tôi nhìn những khuôn mặt đó và khám phá ra tất cả đều có nét vui tươi. Đó là những nụ cười thân thiện, hiền hòa và đầy sức sống. Cũng giống như nụ cười phúc hậu mà Đinh Cường đã chào đón tôi và các bạn từ phương xa vừa đến thăm anh.
Elena – Đinh Cường – Nguyên Minh – Trương Văn Dân
Studio Đinh Cường – Ảnh PCH – Virginia 21.10.2015
Giọt từng giọt… những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên má tôi dù đã cố sức ngăn lại khi nhớ đến hình ảnh cánh tay anh đưa lên vẫy chào để từ giã chúng tôi. Tôi nhìn thấy anh cô độc, đứng một mình ở một góc vắng của trung tâm thương mại; dù thấy anh mỉm cười từ biệt, nhưng tôi chắc là trong tim của tất cả chúng tôi một nỗi buồn đau về sự chia lìa, ý thức rằng còn rất nhiều thời gian nữa mói có thể gặp lại nhau.
Thời gian xa cách, ngắn hay dài gì đều là một nỗi đau. Nhất là giữa những con người có một tình thương chân thật.
Tôi nhớ những câu nói của anh trước khi từ giã. Một đôi câu để cố gượng tìm vui. “Hẹn gặp lại ở Việt Nam sau tết ” nhưng sau đó cũng có câu buồn hơn vài giây trước: “Sáng mai tôi phải đi bệnh viện để làm chemo (hoá trị) và sau đó người mệt mỏi và khó chịu lắm… cần phải nghỉ ngơi một ngày. Còn các bạn lại khởi hành vào ngày mốt nên chắc mình không thể gặp nữa”. Câu này được nói ra vẫn với nụ cười trên môi, nhưng có lẽ hơi gượng gạo và có pha chút buồn đau. Sau đó thì anh mở túi xách và trao cho chúng tôi mấy món quà tiễn hành. Anh lúc nào cũng ân cần và nghĩ đến các bạn, nhưng điều làm tôi xúc động nhất là với tình trạng sức khỏe không tốt lắm mà anh vẫn dành thời gian cho chúng tôi, khi trong lòng anh chắc còn nhiều ưu tư và lo lắng.
Giọt, từng giọt… liều thuốc hóa trị đang nóng bỏng nhỏ vào tĩnh mạch của anh,… rồi những giọt nước mắt liên tục từ hai mắt tôi chảy xuống, lòng còn xúc động hơn khi nhìn thấy những đôi mắt đẫm nước của các bạn đồng hành.
Tôi mong ước làm sao là những giọt nước mắt của chúng tôi bỗng chốc biến thành một thứ nước cam lồ có thể chữa lành để người bạn thiết Đinh Cường có thể tìm lại sự thanh thản và bình an.
Từng giọt, từng giọt nước mắt lăn dài và tôi bám chặt bằng tất cả sức mạnh của mình vào câu nói “ Chúng ta sẽ sớm gặp lại, sau Tết” rồi muốn bước xuống xe, ôm chặt lấy anh thêm một lần nữa, trước khi chiếc xe của nhà báo Nguyễn Minh Nữu mang chúng tôi rời xa anh.
Tôi và các bạn đồng hành sắp xếp hành trang trong niềm u uất. Rất nhiều lần tôi nhớ đến bàn tay của anh Đinh Cường vẫy chào dưới mái hiên của trung tâm thương mại. Đối với tôi, Trương Văn Dân và anh Nguyên Minh thì Tết hãy còn lâu, xa quá!
Tất cả đã sẵn sàng, chúng tôi dùng cơm trưa ở nhà nhà thơ Phạm Cao Hoàng để có thể từ biệt anh và gia đình, thăm chị Cúc Hoa vợ anh và cháu Thiên Kim. Chỉ còn hơn vài giờ nữa là chúng tôi phải lên phi trường.
Bất thình lình có một cú điện thoại của bạn Nguyễn Quang:
– Các anh chờ tôi nhé. Tôi đang đến,
Chúng tôi vui và bất ngờ. Nhưng còn bất ngờ hơn khi Quang nói tiếp:
– Anh Đinh Cường cũng đang đến nữa!
Thật vô cùng kinh ngạc. Xúc động và vui mừng. Vì chỉ sau một lát anh Đinh Cường đẩy cửa bước vào với nụ cười rạng rỡ. Khuôn mặt anh hơi tái vì gió lạnh.
Sau một vòng ôm thật nhiệt tình, anh đưa cho tôi một chiếc túi giấy:
– Cái này cho các bạn. Lúc nãy trên đường đến tôi ghé lại Starbucks và có mua một ít bánh mì để các bạn ăn trên máy bay.
Vẫn luôn nghĩ đến chúng tôi, bao nhiêu thương mến anh dành cho Nguyên Minh người bạn từ thuở nào và cho vợ chồng tôi, những người mới quen, nhưng không vì thế mà thiếu thân thiết.
Và chính nhờ cuộc gặp bất ngờ này mà sự chia xa của chúng tôi bớt đi phần nào buồn bã.
Thêm một vòng ôm nữa, rồi trong chuyến bay đêm, giữa những hàng nước mắt, tôi luôn nhớ đến nụ cười phúc hậu của anh đã làm tôi thật ấm lòng giữa mùa thu lá vàng.
Với lòng thương yêu lẫn kính trọng, cảm ơn anh Đinh Cường đã luôn giữ chúng tôi trong trái tim nhạy cảm và bao dung của mình.
Elena Pucillo Truong
Sài Gòn, Tháng 11. 2015
(Trích tsvh Quán Văn số 34, tháng 11-2015)
Nguồn: Bài do nhà văn Trương Văn Dân chuyển cho sangtao
Hoạ sĩ của hoài niệm :Đinh Cường
TRONG HỘI HỌA, ĐINH CƯỜNG LÀ THI SĨ CỦA HOÀI NIỆM
Trịnh Công Sơn
Đầu những năm 60, bóng dáng của Modigliani và của những bậc thầy các trường phái hội họa mới thấp thoáng đi về dưới những bức tường cổ rêu phong của Đại Nội. Ở đó có Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế và ở đó cũng có Đinh Cường.
Rất nhiều mùa màng đã đi qua những căn phòng trọ luôn dời đổi. Trong những căn phòng đó đã có một thời, thi ca và âm nhạc đã sống cùng với hội họa, và đã cùng hít thở đến quen thuộc cái bầu không khí hăng hắc mùi sơn dầu còn tươi từ những tấm toile (bố vẽ) mới phác thảo, đang tìm tòi.
Đó là cái thời của những tuổi hai mươi tìm gặp nhau trong một mối đồng cảm về nghệ thuật. Cái tuổi của lãng mạn, trữ tình và đầy chất hào hoa phong nhã.
Tôi đã gặp Đinh Cường vào thời điểm ấy. Trong những đêm mùa đông, băng qua khu vườn rộng ẩm ướt mưa ở Bao Vinh, trước khi gặp Cường bao giờ tôi cũng phải “diện kiến” với một con mắt đỏ lập lòe của ngọn đèn dầu trên am thờ. Đó chính là cái point riche (điểm tráng lệ) của đêm đen mà về sau này tôi vẫn thường bắt gặp trên tranh của Cường.
Với cái nền lãng mạn đầy tính chất thi ca, Đinh Cường đã say sưa “vọc” sơn dầu và nhồi nặn tâm hồn mình vào trong ấy. Thời gian ấy, tôi rất hiếm thấy những họa sĩ trẻ sử dụng sơn dầu nhuần nhuyễn như Đinh Cường. Và đó cũng là giai đoạn của những “khỏa thân xanh” (nu blue), “khỏa thân hồng” (nu rose) phảng phất đường nét của Modigliani, một trong những bậc thầy về chân dung mà anh rất ngưỡng mộ và yêu mến.
Sức làm việc của Đinh Cường trong những năm ấy đã gây cảm hứng rất nhiều cho bạn bè làm văn nghệ ở quanh anh. Tuy đang ở trong những năm đầu của nghề nghiệp nhưng anh đã biết tạo cho mình một vòm khí hậu riêng biệt. Đó là cái khí hậu đầy lôi cuốn mà người ta thường tìm thấy trong thế giới của những nghệ sĩ đã trưởng thành trong tác phẩm cũng như trong lối sống. Ở đó người ta chỉ bắt gặp sự sáng tạo, nỗi đam mê không bờ bến và những giấc mơ kỳ diệu.
Được sự cộng sinh của những trào lưu mới mẻ của văn học nghệ thuật thế giới lúc bấy giờ, Đinh Cường đã buông thả đôi cánh phóng khoáng của tâm hồn mình để có dịp mang thế giới màu sắc về những biên giới sáng tạo không hình thể. Theo thời gian, cùng với nỗi đắm đuối khôn cùng đối với chất liệu sơn dầu, anh đã biến những linh cảm của thế giới tinh thần trước đời sống và thiên nhiên thành những khối màu nói bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng. Những khuôn mặt thiếu nữ, hoa, lá, núi, đồi… có lúc đã nhòe đi và hòa lẫn, tan biến vào nhau, để trở thành cái tinh khiết, cái thuần chất nhất, đó là cảm xúc, là sự rung động đã được lọc sạch trước thế giới bên ngoài.
Đinh Cường là con người sống để vẽ và đi. Đi với Đinh Cường đồng nghĩa với hạnh phúc. Một thời tuổi trẻ chúng tôi đã cùng đi và đã sống những mảng đời đầy thơ mộng. Đi và sống giữa cuộc đời mênh mông như những nhà thám hiểm cô đơn mà kẻ dìu dắt cũng chính là bản thân mình. Có khi về giữa một thị trấn, có khi ở trong lòng một thành phố nhỏ và cũng đã có nhiều tháng ngày về ẩn dật trong một căn nhà sàn nằm trơ trọi giữa rừng núi vùng Kađô.
Cái vốn liếng một đời người có được cũng từ những chuyến đi đó – Đi, để tạo một khoảng cách cần thiết đối với cuộc sống quen thuộc của mình, để ngẫm nghĩ về nó. Đó cũng là khoảng cách, bước lùi cần thiết cho một họa sĩ để có một cái nhìn quán xuyến hơn trước bức tranh mình đang vẽ. Đinh Cường vẽ tranh như người ta thở. Nhưng để đạt được sự dễ dàng đó không phải ai cũng làm được. Trong Đinh Cường, có sự phóng khoáng bềnh bồng của một người nghệ sĩ nhưng đồng thời cũng có sự cần mẫn, tinh tế của một người thợ.
Qua một phần tư thế kỷ, Đinh Cường đã mang đến cho những người yêu hội họa, qua những phòng tranh trong nước cũng như ở nước ngoài, hoặc trên sách báo, gần cả ngàn bức tranh lớn, nhỏ, và minh họa. Nhớ lại những phòng tranh cũ và được xem những bức tranh mới, tôi chợt nhận thấy rằng trong Đinh Cường luôn luôn có một sự trở về. Anh không có cái logic của người luyện kim từ một mẩu sắt thô biến thành một thanh kiếm đẹp. Anh như mang trong mình một nỗi nhớ không nguôi đối với kỷ niệm. Trong tranh của Đinh Cường không có bóng dáng của cái gọi là sự trở thành (le devenir). Anh có vẻ như đang còn mải đi tìm cái tuyệt đối trong sự tương đối được lặp đi lặp lại mãi của một đời người. Tìm đến thế giới tranh của Đinh Cường là tìm đến với sự yên tĩnh đẫm chất thơ mộng. Dưới nét bút của anh, không có hình bóng của sự bạo hành hoặc sự nồng nhiệt đầy cuồng nộ của những tâm hồn phương Tây. Cái màu xanh lạnh được chuyển qua nhiều sắc độ khác nhau cùng màu hồng nồng nàn trong những bức tranh xưa vẫn còn tìm thấy lại trên những tấm tranh mới. Rõ ràng Đinh Cường không muốn tìm kiếm hoặc chạy theo những trường phái mới nữa. Anh đang dừng lại trong những biên giới của chính mình để tìm kiếm qua hình thể, sắc màu, cái vẻ đẹp lung linh của một giấc mơ không nắm bắt được.
Nhìn những bức tranh mới đây, với khung cảnh quen thuộc của núi rừng Đà Lạt, Lâm Đồng, tôi như vẫn còn nghe thấy được chút nắng vàng rơi dưới thung lũng, đốm lửa bập bùng trên những đường đèo và cả tiếng lục lạc trên cổ con ngựa trắng kéo khoang xe chở Đinh Cường một mình từ quận Đơn Dương trở về căn nhà sàn gỗ ở Kađô trên tay cầm nải chuối và chai xăng để rửa cọ.
Đà Lạt, Huế cùng những màu đất đá rêu phong là nỗi ám ảnh và cũng là nỗi nhớ triền miên của Đinh Cường.
Trong hội họa, tôi gọi Đinh Cường là thi sĩ của hoài niệm.
Trịnh Công Sơn.
Luân Hoán
(chưa chọn được đề bài này)(FB)
bạn chết vội làm thơ
đúng là một xúc phạm
nhưng làm chi bây giờ
người tôi chao đảo quá
chẳng biết đang thế nào
Đinh Cường ơi Đinh Cường !
người bạn thật dễ thương
dễ thương
dễ thương quá
tự nhiên tôi quá buồn
so vai như lá héo
bạn đi như thế nào
hẳn đau nhức nhiều lắm
qua ảnh thấy xanh xao
bạn bên này định ghé
vậy là chưa kịp chào
ngỡ như tin thất thiệt
đang sửa bản layout
định gọi xin mẫu mới
bìa sách bạn từng làm
lần này tôi hết đợi
hết réo qua viễn thông
hết nghe bạn hứa chắc
tôi hụt hơi bất ngờ
hối hả gọi Song Thao
Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn
chia bớt nỗi nghẹn ngào
chợt đến như không thật
chợt buồn như giả vờ
Đinh Cường ơi Đinh Cường
người bạn ít lộ buồn
khuôn mặt luôn bình thản
lạc quan giàu yêu thương
đi đứng thật mực thước
luôn xem bạn như vàng
nói nhiều mà làm chi
bạn đi, ừ đã đi
tôi thật chưa dám gọi
thăm chị, cháu, nói gì
lẩn thẩn bật diêm đốt
nhìn khói hương bay đi
gõ mấy chữ trấn an
lòng dạ đâu thơ thẩn
tôi vuốt mặt tôi hai lần
như đang vuốt mặt bạn
ô hô đi thanh nhàn
hỡi ông anh, bạn vàng !
Luân Hoán
10.44 AM- 08.01-2016
BUỒN VUI CÙNG VỚI VUI BUỒN
Luân Hoán
@
bạn tôi vừa mất hôm qua
ngày mai sinh nhật tôi già bảy lăm
hôm nay định đóng cửa nằm
giữ an bổn mạng thêm năm tuổi đời
ra ngoài nhỡ đụng con ruồi
chiếc xe chi đó, chết người, bớt vui
lòng đang thổn thức ngậm ngùi
không nhìn được mặt, nụ cười bạn xưa
vậy mà cũng giỡn, chịu thua
ơi tôi đang khóc đang đùa cùng nhau
giận mình quên lững đi đưa
Hồ Đình Nghiêm sang tiễn ông vua sắc màu (1)
anh Dương Nghiễm Mậu qua không ?
bạn cột chèo bạn ngồi đồng văn thơ
tuy rằng tôi đang dật dờ
ai ghé nhìn bạn tôi nhờ ngắm luôn
khuôn mặt hiền đã biết buồn
dù thiêm thiếp chúc tôi trường thọ dai
ngày hôm kia và ngày mai
làm sao tôi chẳng nhớ hoài tử sinh
Luân Hoán
7.17 AM – 09.10.2016
(1) nhà văn HĐN, em chị Nhung, vợ Đinh Cường

TRANH ĐINH CƯỜNG
Đinh Cường viếng thầy Hoạ sĩ Tôn Thất Đào Huế
Mai Thảo(Tranh Đinh Cường)
Hoạ sĩ ĐInh Cường tại Huế ?
Thành Kính Phâu Ưu cùng Cô Nhung và Tang Quyến ! Học trò Tôn nữ Mỹ Ngọc…..