Người nữ hoạ sĩ biến phong trần thành gấm vóc :BÉ KÝ

TÀI LIỆU HỘI HOẠ

logo hội hoạ

Nữ hoạ sĩ BÉ KÝ

Before

bé ký 23 tuổi

After

Be-Ky-11

Bé Ký
NGƯỜI BIẾN PHONG TRẦN THÀNH GẤM VÓC

VuongTrungDuong
Vương Trùng Dương

Mang niềm đau và thân phận của cô bé mất tình thương cha mẹ từ thuở nhỏ, chịu nhiều khổ đau trên đất nước đầy bất hạnh bởi chiến tranh, Bé Ký dấn thân vào thế giới hội họa như một hiện tượng: họa sĩ của hè phố. Bé Ký xuất hiện trong hội họa Việt Nam với nét vẽ độc đáo, chân chất, mới lạ, đơn sơ nhưng trọn ý, tự tạo phong cách riêng biệt của mình rất thân quen trong sinh hoạt đời sống vỉa hè, thôn dã giữa cảnh xô bồ, hổn độn của xã hội.

Bé Ký bước vào hội họa không qua trường lớp nào, được sự hướng dẫn của 3 nghệ sĩ tài danh Trần Ðắc, Trần Văn Thọ & Văn Ðen; trong đó người thầy Trần Ðắc cũng là dưỡng phụ đem Bé Ký di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954.

Với năng khiếu, đam mê và chịu khó học hỏi, mới 15 tuổi, Bé Ký được xem như tài năng đầy triển vọng trong lãnh vực hội họa. Sau vài năm chung sống với gia đình dưỡng phụ ở Sàigòn, năm 1957, qua nhiều tác phẩm được hình thành đã ra mắt triển lãm, tạo được tiếng vang trong giới thưởng ngoạn nghệ thuật. Năm 1959 tham dự triển lãm Quốc Tế tại Paris. Thời gian kế tiếp, họa phẩm của Bé Ký được triển lãm tại 9 thành phố ở Nhật Bản và nhiều cuộc triển lãm quan trọng trong nước. Tên tuổi Bé Ký được xuất hiện trên báo giới như tờ Le Journal D’Extrême-Orient (19 Novembre, 1969), tờ The Saigon Post (November 20, 1972)…và nhiều lần đề cập trên báo chí Sàigòn với sự hiện diện của các họa phẩm, trở thành quen thuộc cho khách thưởng ngoạn nghệ thuật. Hình ảnh họa sĩ Bé Ký cũng là hình ảnh cô gái quê, áo bà ba, kẹp tóc dài, mang guốc vông với giá vẽ, cây cọ, bút lông ở Catinat, Nguyễn Huệ, Lê Lợi: “giang sơn của Bé Ký”.

Bé Ký sở trường về “caricature” trên giấy và lụa. “Caricature” với Bé Ký có lúc là ký họa, hoạt họa, phóng họa, tốc họa bằng mực tàu, bút lông với đường nét “dessin” đơn giản nhưng rất linh hoạt, uyển chuyển giữa yếu và mạnh, sống động, rất thực, tạo phong cách riêng biệt của đường nét họa sĩ. Hình ảnh thiếu nữ với cây đàn, mục đồng với con trâu, tấm lòng giữa mẹ và con… trong thư phòng, nơi thôn dã cho đến sinh hoạt hè phố với người gánh hàng rong, bán xôi chè, người phu, xích lô, xe ngựa, trẻ đánh giày, kẻ quét đường… tưởng chừng bị phôi pha, bỏ rơi được ghi lại rất tài tình qua nét vẽ.

Tháng ngày ở Sài Gòn năm xưa, họa sĩ Bé Ký “bụi đời” để hòa nhập trong sinh hoạt thường nhật của giới lao động hè phố đã tạo dựng phong cách, bóng dáng, chân dung đặc biệt; thoạt nhìn có vẻ lập dị nhưng đi sâu vào lãnh vực cuộc sống mới cảm nhận được tâm tư, tình cảm con người nghệ sĩ. Ở góc cạnh nào đó, qua lăng kính con người với nghề nghiệp, nhìn vào tác phẩm, cảm nhận được những điều trang trải, xúc cảm và suy tư về nghệ thuật và cuộc sống trong xã hội để sáng tạo, nói lên tấm lòng của người nghệ sĩ. Họa phẩm của Bé Ký như sự tỏ bày sự cảm thông, thương cảm cuộc sống thầm lặng, đau khổ của lớp người mang nhiều khổ cực giữa quê hương từ thế hệ nầy sang thế hệ khác mà tác giả đã mang chứng tích được thoát ra trên con đường hội họa.

Bé Ký được ghép bởi tên cúng cơm & chuyên về ký họa. Tự nó, rất đơn giản, mộc mạc thể hiện qua cuộc sống và họa phẩm nhưng đã tạo được sắc thái riêng rẽ của đội ngũ nữ giới thời đó trong khu vườn muôn sắc của hội họa được xem như mảnh đất dụng võ của đội ngũ nam giới. Tranh của Bé Ký dành cho mọi giới, rất phổ thông, hơn 1,500 họa phẩm đã bán cho khách mộ điệu trong năm tháng cầm cọ ở Sài Gòn.

Bé Ký lập gia đình năm 1964 với họa sĩ Hồ Thành Ðức (Sinh năm 1942 tại Ðà Nẵng – Tốt nghiệp Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh – Sáng lập viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam – Sở trường về kiến tạo “collages” – Giáo sư Mỹ Thuật Ðại Học Vạn Hạnh Sài Gòn 1970-1975 ). Cả hai đều rơi vào cảnh ngộ côi cút từ thuở ấu thơ nên rất thông cảm cho nhau cùng tạo dựng mái ấm gia đình trong cuộc sống, đôi bạn hành trình trong hội họa. Có được 4 con và có nhiều họa phẩm được triển lãm chung với nhau ở Việt Nam & Quốc Tế.

Sau biến cố đau thương tháng 4, 1975 Bé Ký & Hồ Thành Ðức không còn sáng tác. Năm 1977 gia đình vượt biên, Hồ Thành Ðức ở tù 2 năm, Bé Ký bị nhốt thời gian ngắn vì có 4 người con còn bé. Mười năm còn lại hai vợ chồng chỉ sáng tác một ít tranh cho đỡ buồn.

Trả lời ký giả Jeffrey Brody trên tờ Register, số ra ngày 2-7-1990, Bé Ký cho biết: “Tôi không thể nào vẽ theo lối họ muốn được. Tôi nhớ có lần một cán bộ cho tôi coi bức họa theo lề lối anh ta thích. Thật là dễ sợ và không trung thực được… Chúng tôi đã có thể làm mọi thứ để mà sống còn… Nhưng khi vẽ tranh thì chúng tôi cần thể hiện được cảm nghĩ của mình. Chúng tôi đã không thể làm được việc đó, bởi vậy nên đã ra đi”. Ðó là cái nhìn, tâm tư, nỗi niềm nghệ sĩ sống Ctrọn vẹn với nghệ thuật.

Tháng Mười 1989 gia đình Bé Ký được định cư tại Hoa Kỳ theo diện nhân đạo. Chọn thủ đô tỵ nạn Little Saigon làm quê hương lưu vong. Tên tuổi Bé Ký dần dà được xuất hiện trên báo chí Hoa Kỳ, Bé Ký đã tham dự vào nhiều cuộc triển lãm kể từ năm 1992 cho đến nay.

Bước vào năm Mậu Dần, Bé Ký đã bước vào tuổi lục tuần. Nhìn lại chặng đường đã qua chị tâm sự: “Tôi mất tình thương yêu gia đình từ thuở ấu thơ nên khi lập gia đình tôi sống trọn vẹn, trân qúy với mái ấm gia đình. Là người vợ, người mẹ tôi làm trọn bổn phận của người đàn bà Việt Nam dù sống bất cứ nơi nào, thời điểm nào, đó là niềm hạnh phúc cao đẹp nhất tôi đã dâng hiến và được nhận lãnh. Tôi rất mê hội họa và yêu quê hương. Vì vận nước, vì thời thế đã hai lần tôi giã từ nơi chốn thân yêu, lòng tôi vẫn còn nhung nhớ. Từ trước đến nay tôi vẫn vẽ tất cả hình ảnh mang bóng dáng, sinh hoạt của quê hương”.

Ðể kỷ niệm hơn 4 thập niên sống với hội họa, trong năm 1998 nầy nữ họa sĩ Bé Ký dự định tổ chức cuộc triển lãm, in quyển sách với nhiều tranh ảnh qua từng thời gian và cuộc đời nghệ thuật.

Vương Trùng Dương

Bé Ký, nữ họa sĩ dân gian

BeKy_DiChoMuaBongSen

Tranh “Đi chợ mua bông sen”(với mẹ)

Mặc Lâm,

phóng viên đài RFA

Bé Ký tên thật là Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1938 tại Hải Dương. Bà mồ côi cha mẹ từ rất sớm và lưu lạc vào Sài Gòn khi mới lên 9. Những kỷ niệm mà bà còn giữ được cho tới ngày nay về những người đã bảo bọc cho bà từ thời thơ ấu được bà kể lại:

Đầu tiên cuộc đời của tôi, tôi làm con nuôi của một ông họa sĩ. Ông Trần văn Thọ phát giác ra tôi. Ông bảo, cái cháu này có khiếu về hội họa…

Nói về cái bút hiệu Bé Ký của mình bà cho biết:

Tôi tên là Nguyễn Thị Bé, ông bố nuôi tôi bảo:Bé, mày ký vào đấy, tức là Bé Ký!

Đậm chất dân gian

Đơn giản đến như vậy tưởng không còn cách nào đơn giản hơn. Mà thật vậy, cuộc đời của người nữ họa sĩ này cũng đơn giản như bút tích của bà trên từng khung vải. Nét vẽ của Bé Ký là cả một câu hỏi lớn cho người thưởng ngoạn, bởi lẽ tranh của bà quá đơn sơ, hồn nhiên mà lại đầy sức sống. Tranh Bé Ký đặc sắc ở nét. Nét của Bé Ký lại đứng rất riêng, rất cường tráng nhưng lại ngọt ngào ca dao tục ngữ. Xem tranh Bé Ký một lần sau đó không thể lầm tranh của bà với bất cứ tranh của ai khác. Hình như bà đã khắc con triện của mình bên dưới từng chi tiết khiến các đường viền khỏe khoắn không thể lẫn vào đâu được. Có một dạo, người ta cho là tranh của bà quá đơn sơ, gần với loại tranh dân gian và do đó khó thể gọi là tuyệt tác để được treo trong một viện bảo tàng nào đó. Nhận xét như vậy chỉ đúng một phần, cái phần cốt lõi là tranh của bà đậm chất dân gian nhưng không phải vì thế mà âm hưởng nghệ thuật của tranh Bé Ký thiếu chất kinh điển.

Triển lãm tranh từ năm 1957

Nhiều chục năm về trước, đang lúc còn là một cô gái nhỏ nhắn chưa hề học qua một trường lớp hội họa nào Bé Ký đã rón rén bước chân vào một phòng triển lãm tầm cỡ vào lúc ấy tại Sài Gòn, tức vào năm 1957 tại Pháp Văn Đồng Minh Hội. Bà kể lại việc mình được cho phép triển lãm tại đây như sau:

Cuộc triển lãm đầu tiên của tôi là tôi vẽ chì than, tôi vẽ chân phương. Thế rồi ông Dervan, người chuyên viết phê bình nghệ thuật thấy tranh của tôi và ông ấy cho triển lãm trong năm đó.”

Đơn giản nhưng sâu sắc

Tranh Bé Ký không cầu kỳ đã đành mà lại cũng không đánh đố người xem. Vài nét chì than hay mực tàu viền chung quanh một nhân vật hay chủ thể cộng với ít chi tiết chung quanh là đã trở thành Bé Ký. Thực ra tranh Bé Ký tuy đơn giản nhưng rất sâu sắc, đặc biệt khi bà chọn miêu tả các góc cạnh của nhân vật. Tính chọn lọc trong tranh của bà rất dễ thấy vì mọi nét dù lớn hay nhỏ đều đánh thức những mầm sống bên trong khiến cho chúng cọ quậy như đang đòi quyền được phát biểu. Khi đậm khi nhạt, khi mỏng khi dầy, nét vẽ của Bé Ký uyển chuyển linh động như nét múa của các vũ công đang cố tìm một động tác quyến rũ. Người xem tranh Bé Ký rất dễ bị thuyết phục bởi ngôn ngữ chân quê mà bà phủ lên. Đây là một đám trẻ quây quần chung quanh một cuộc chọi gà, kia là những cô gái chàng trai đang vui lễ hội, hay những phiên chợ quê đầy màu sắc nay chỉ còn trong trí tưởng tượng của mọi người …

Tranh Bé Ký miêu tả nhiều chủ đề nhưng đặc sắc nhất, ấn tượng nhất vẫn là tranh bà vẽ miêu tả tình mẫu tử. Hàng chục bức tranh dưới dạng này được bà vẽ đi vẽ lại không mệt mõi. Hình như trời sinh ra Bé Ký chỉ để vẽ tranh và làm mẹ, ngoài ra bà không cần gì khác. Tranh vẽ mẹ con của bà cũng chân quê như những đề tài khác nhưng đâu đó toát ra nét hiền dịu trẻ thơ cùng hạnh phúc ngất trời của người mẹ nhìn con mình say ngủ hay chập chững những bước đi đầu đời.

Đối với Bé Ký, bà phác họa những chuyển động tích tắc của sự việc rồi từ từ biến những chuyển biến đó thành hơi thở, thành động tác và thành những sản phẩm tuyệt đẹp. Những bức tranh của bà ở thời kỳ đầu không nhiều mầu sắc lắm và chúng được sáng tạo nhanh chóng bằng những phác thảo dọc đường của người nữ họa sĩ thích đi đây đó. Càng về sau tranh của bà đằm thắm hơn, và cũng ngọt ngào hơn khi chúng có những sắc diện khác. Sắc diện của bột màu và những tạo tác gây hiệu quả phụ bằng những cấu tạo đặc biệt cho nền tranh mà giới chuyên môn gọi là texture.

Mộc mạc chân quê

BeKy_DanhDan

đánh đàn(Bé Ký)

Bé Ký rất dè dặt khi mang màu sắc phủ lên chủ đề của mình. Bà dùng những gam màu điền dã của dòng tranh Đông Hồ và không ngập ngừng gì khi xử dụng rất nhiều chất liệu gốc phát xuất từ đất, từ vỏ xò hay tro than của tre già. Bé Ký kết hợp khéo léo màu sắc chân quê vào nét vẽ mộc mạc của mình khiến tranh bà trở nên đặc sắc lạ thường. Người xem tranh Bé Ký không sợ lạc vào mê hồn trận của trường phái của phong trào, bởi tranh của bà vốn như bà thường nói là rất nhà quê … Bà nhớ lại những ngày đầu khi bước chân vào cuộc chơi nghệ thuật tại Pháp Văn Đồng Minh Hội:

“Khi mà người ta đến phỏng vấn này khác thì tôi thấy rất khích lệ nghề nghiệp của mình và thấy người ta rất thương yêu mình …”

Qua nhiều năm các cuộc triễn lãm tranh của Bé Ký không thể nào đếm hết nhưng bà vẫn tiếp tục vẽ như một thói quen không thể dừng lại. Bà cho biết nhiều người yêu mến bà không những vì tranh mà vì bởi tính tình của bà nữa:

“Trưng bày cá nhân của tôi hăm mấy cuộc triển lãm riêng còn triển lãm chung với chồng con thì nhiều đếm không xuể, người ta yêu mến tôi không phải vì tài năng mà vì tôi quê mùa quá …”
nhạc….

Người họa sĩ luôn tự nhận là quê mùa này có thể chưa biết rằng tranh của bà còn có khả năng làm dịu niềm thương nhớ quê hương của người xem tranh bà. Nơi quê người mà xem tranh Bé Ký không khác nào ngồi giữa phố Bolsa kêu ly cà phê sữa đổ ra chiếc đĩa và uống từ từ. Uống từng hớp một để nhớ những quán cóc của Sài Gòn ngày xưa cũng như những hình ảnh trong tranh Bé Ký có khả năng gợi nhớ những tất bật mưu sinh nhưng cũng êm ái như tuổi thơ ngồi bên vú mẹ …

Quý vị vừa theo dõi bài viết về nữ họa sĩ Bé Ký, kỳ tới chúng tôi xin giới thiệu họa sĩ Hồ Thành Đức người bạn đời tri kỷ của bà, cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa từ nhiều thập niên, mời quý vị đón theo dõi.

(*Nguồn: rfa.org)

Bé Ký,
nỗi hoài nhớ niềm vui đã khuất


ThuyKhue
THỤY KHÊ

Văn chương và hội họa là những nghệ thuật bắt nguồn bằng nét (dessin). Chữ viết khởi từ nét, ngay trong cách viết chữ nho, người ta đã muốn vẽ vũ trụ và con người qua ngôn ngữ. Cho nên, chúng ta không nói quá, khi cho rằng chính dessin mới là nguồn của văn chương và hội họa.
Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký -như cái tên lựa chọn có ý tiên định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naĩf) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt.
Nếu biết rõ dessin là gì, thì sẽ thấy sự lựa chọn này không dễ dàng, bởi con đường đơn giản bao giờ cũng là con đường khó khăn. Văn mà đạt tới mức không rườm là khó. Vẽ mà đạt tới mức giản dị tối đa không dễ.
Hội họa Bé Ký chỉ thuần túy nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc. Ðây là một quy luật khác thường, vì trong hội họa, trước khi vẽ, có thể họa sĩ chưa biết mình sẽ đi đâu, đường nét và màu sắc sẽ dẫn lối cho họ; cũng như trong văn, ý nọ sọ ý kia, ý trước “đẻ” ra ý sau. Với Bé Ký, sự thể ngược lại: Trước khi vẽ, bức tranh đã phải “xong” rồi, và đặt bút là kết thúc tác phẩm.
Tính chất này của hội họa còn gọi là ngẫu hứng hoặc trực giác, mà cũng là thiền: Trực giác định hình, khi người nghệ sĩ thấy được “ánh sáng”, “ngộ” rồi thì họ hoàn thành tác phẩm. “Ánh sáng” ấy là chất liệu, là nguồn cội của ký họa.
Trong thế giới hội họa của Bé Ký, nhân vật, động vật và tĩnh vật, rọi lọc qua ánh sáng giác ngộ, có những nét hồn nhiên và ngây thơ. Từ con trâu, em bé, đến chiếc xe thổ mộ, cái váy của người đàn bà, chiếc khăn mỏ quạ, tóc vấn đuôi gà… tất cả đều thoát ra một cái gì chân chất, rất lành, rất mộc mạc như chưa từng có lớp sơn màu lòe loẹt nào bay đến làm ô uế, ô nhiễm đi.
Bé Ký trong hội họa cũng như Nguyễn Bính trong thơ, sợ sự trưởng thành; cả hai đều đã cấu tạo nên được vũ trụ quê của riêng mình. Quê mùa như thơ Nguyễn Bính, thế giới người, đồ vật và sinh vật của Bé Ký, hòa hợp với nhau, chung sống với nhau trong khung cảnh điền dã, giản dị, nghèo nàn, sinh động và hạnh phúc.
Người xem tìm thấy nguồn vui tự tại trong tranh, kèm nỗi nhớ nhung vô bờ và nỗi buồn man mác, về những ký ức tuổi thơ không bao giờ trở lại.
Hội họa Bé Ký thể hiện niềm vui đã khuất, hiện tại vô tình dẫm lên mà không biết, không hay.

Người Việt phần đông thích tranh Bé Ký, treo tranh Bé Ký, nhưng có mấy ai tìm thấy ở mỗi bức họa của Bé Ký, là một mất mát của con người. Chúng ta bán tuổi thơ đi để mua tuổi già, phá thiên nhiên, đổi thôn quê để chuốc lấy thành thị, chúng ta giã từ niềm vui vào đời để bước dần về nỗi buồn cõi chết.
May có người nghệ sĩ giữ lại cho chúng ta ít nhiều kỷ niệm.

Màu Sắc Dân Tộc Qua Hội Họa Bé Ký

huynh-huu-uy

Huỳnh Hữu Ủy

Trong sinh hoạt hội họa Sài Gòn trước đây, có một họa sĩ lụa với tài năng hết sức đặc biệt cần được ghi nhận với lòng ưu ái của chúng ta: nữ họa sĩ Bé Ký. Sinh năm 1938 ở Hải Dương, Bắc Việt, Bé Ký không được học ở một trường đào tạo mỹ thuật hay mỹ nghệ nào, chỉ do lòng mê vẽ mà trở thành họa sĩ. Tuy nhiên, bà cũng được các họa sĩ Trần Đắc, Trần Văn Thọ, Văn Đen chỉ dẫn ít nhiều ở các xưởng vẽ riêng của những họa sĩ này.

Khoảng trước năm 60, Bé Ký đã được nhiều người biết đến bởi một đời sống khá đặc biệt, với vóc dáng của một thiếu nữ đi lang thang trên lề đường, ghi lại những sinh hoạt bình dị của đời sống qua cây cọ vẽ. Và bà ngày càng được chú ý nhiều hơn vì một bút pháp độc đáo, riêng biệt. Năm 1971, ngoài 30 tuổi, đã bày tranh tới 16 lần và lần nào cũng thành công, tranh bán rất chạy và được nhiều người chú ý vì một thế giới giản dị, mộc mạc, rất đáng yêu mến.

Bé Ký bày phòng tranh riêng đầu tiên của mình ở cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội (Alliance Francaise) khai mạc ngày 6-12-1957 với sự bảo trợ của ông René de Berval, người chuyên viết bình luận mỹ thuật cho báo Journal d’Extrême Orient và tạp chí France d’Asie ở Sài Gòn.

Nhiều người Âu Châu sưu tập tranh Bé Ký, một phần vì tính chất “hương xa,” nhưng phần chủ yếu là vì cá tính của tranh. Bà có tranh trong bộ sưu tập của Nhà bảo tàng Á Châu Thái Bình Dương, Ba Lan.

Từ hồi năm, sáu tuổi Bé Ký đã thích vẽ, thấy gì cũng quệch quạc tràn lan, đến chừng 12, 13 tuổi đã bắt đầu vẽ được dễ dàng những hình con chim, con cò, các loại gia súc khác, hay cảnh đứa bé chăn trâu đang dẫn trâu về nhà vào buổi xế chiều bên lũy tre làng. Bé Ký say mê quan sát để vẽ, tự rèn luyện như thế nên chỉ vài năm sau đã vẽ hoạt họa rất giỏi. Ở tranh Bé Ký, thường là một cảnh sinh hoạt tươi sáng, một nụ cười hài hòa, một đời sống thanh thản trong nhịp điệu bình thường: người đàn bà bán hàng rong, bán trái cây, người đàn ông đẩy chiếc xe bán phở dạo giữa cơn gió lạnh của một buổi chiều mùa đông. Hay hình ảnh của một ông cụ già chống gậy đi qua đường, người phu xích lô đang gò lưng trên chiếc xe, mấy đứa trẻ chơi đá cầu, đá kiện, đánh bi đánh đáo trên hè phố…

Có dịp ra ngoại thành vào những ngày nghỉ, nhìn ngắm những cảnh tượng miền quê, cảnh trâu, bò gặm cỏ, Bé Ký chăm chú quan sát, lấy ký họa, rất nhiều ký họa, để rồi sẽ đúc kết thành tranh sau nàỵ Việc quan sát đối tượng rồi lọc lấy đường nét là công việc chủ yếu khi muốn vẽ, khả năng quan sát và thanh lọc này càng cao thì sự thật nghệ thuật càng được nâng lên. Giữa hàng ngàn tấm tranh của Bé Ký, tranh vẽ nét bằng mực tàu, tranh tô màu trên lụa, tranh sơn mài, dĩ nhiên là tranh sao đi chép lại cũng khá nhiều vì nhu cầu thương mãi, giữa núi tranh đồ sộ ấy, nếu chọn lại thực kỹ, chúng ta sẽ có vài tấm thực hiện hết sức tài tình như Đàn nguyệt, Mẹ con, Đàn độc huyền, Đàn cò, Bà cháu có thể xem là tuyệt kỹ.

Định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1989, hiện nay Bé Ký sống cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức và gia đình ở thành phố Westminster, Californiạ Vẫn tiếp tục làm việc đều đặn, và thường xuyên bày tranh với các họa sĩ quen biết trong sinh hoạt cộng đồng nơi đâỵ Bày tranh nhiều lần ở các thành phố Garden Grove, Westminster, San Diego, Irvine, Los Angeles… Cũng có đôi dịp bày tranh chung ở các tiểu bang khác như Virginia, Florida, Maryland. Năm 1995, Bé Ký được mời tham dự cuộc triển lãm quốc tế Women: Beyond Borders. Cuộc triển lãm này sẽ di chuyển qua nhiều quốc gia trong vòng năm năm, từ 1995 đến 2000, rồi sẽ trở về Hoa Kỳ để được lưu giữ như một bộ sưu tập thường xuyên. Cuộc triển lãm được thực hiện với mục đích trình bày tiếng nói của những nghệ sĩ phụ nữ có tính toàn cầu, trong tinh thần đối thoại, thông cảm và sáng tạọ Các nghệ sĩ gốc gác từ các quốc gia Mỹ, Do Thái, Kenya, Úc, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Cu Ba, Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình, Nhật Bản, Việt Nam, những nghệ sĩ này hiện nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ và họp nhau trong cuộc triển lãm để tạo nên một cuộc đối thoại và thông cảm vượt qua màu da và biên giới quốc giạ Như các họa sĩ và các nhà tạo hình khác dự cuộc triển lãm, Bé Ký nhận một chiếc hộp gỗ vuông mỗi chiều khoảng chừng hơn gang tay rồi biến chế bằng cách ghép thêm các nguyên liệu khác bằng kẽm, gỗ và giấy rồi vẽ lên đấy mấy hình ảnh đặc trưng của riêng mình, nổi bật lên là hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam mềm mại, nhẹ nhàng, thon thả, rất được chú ý trong lần trưng bày khai mạc ở Santa Barbara Contemporary Arts Forum, tại Santa Barbara, California vào tháng 11 năm 1995.

Xem tranh Bé Ký, hẳn rằng ai cũng thấy ngay là Bé Ký rất thành công ở chỗ, trong suốt hơn 40 năm sống đời một họa sĩ, Bé Ký đã xây dựng được một thế giới riêng biệt đầy cá tính ngay từ những bước đầu tiên, rồi từ đó bà cứ bước đi một cách vô cùng vững tin ở cách nhìn và sự chọn lựa của mình. Bút pháp của Bé Ký thuộc về đại chúng, đó là một thứ nghệ thuật của quần chúng. Như vậy, chẳng có gì đáng tiếc khi nghệ thuật của Bé Ký chỉ ngừng ngang mức dân gian mà không đi xa hơn nữạ Nếu chúng ta đã có những nguồn tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng, tranh làng Sình ở Huế, thì chúng ta còn có thêm một nguồn tranh dân gian quý giá không kém chính là thế giới tranh Bé Ký. Dĩ nhiên, tranh Bé Ký cao và thơ mộng hơn nhiều vì nó là hơi thở thuần nhất của một nghệ sĩ chân thành và tài hoa, độc đáo và sáng tạọ Một giòng tranh dân gian của đại chúng như tranh Đông Hồ, thì hoàn toàn ngược lại, xóa hẳn cá tính vì được hình thành bằng nhiều thế hệ qua thời gian và lịch sử.

Tôi chỉ muốn nói tranh Bé Ký dừng ngang mức dân gian, bởi vì bà không được đào luyện về kỹ thuật và ý thức hiện đạị Hơn nữa, bà cũng không có nhu cầu gì về một thứ ý thức nghệ thuật hiện đạị Mà chính vì thế, bà lại như có được một lợi thế riêng biệt của mình: tạo được một thế giới rất đẹp, thấm đẫm tâm hồn và hương hoa dân tộc. Tôi chỉ lấy một thí dụ rất nhỏ, ngày tết mà có được một bức tranh Bé Ký vẽ cô thiếu nữ cầm một cành mai vàng, nhánh hồng đào hay đội một giỏ sen, em bé thả diều cùng tiếng sáo vi vu trên thảm cỏ xanh vô tận của đồng quê, cảnh mấy đứa bé đang đì đùng đốt pháo hay chọi gà, chiếc xe thổ mộ chở đầy hoa v.v… để treo lên bức tường hay bức vách đất vừa quét lại một làn vôi mới thì căn nhà ngày Tết sẽ vui hơn và ấm áp hơn. Tranh Bé Ký treo nơi căn nhà của một người trí thức, trưởng giả, hay nơi một căn nhà bình dân, nơi một căn phòng sang trọng, thanh nhã hay giữa một mái tranh nghèo thì đều như rất thích hợp miễn là phải đặt ở một chỗ thích tối thiểụ Tranh Bé Ký thân thiện, dễ chịu và ấm áp với hết thảy mọi người.

Hội họa Bé Ký cho chúng ta thấy một điều rất hiển nhiên là có những giá trị dân gian vẫn rất quý giá, cần phải được giữ gìn và bảo vê.. Nếu đi tìm một tiếng nói của dân tộc thì hội họa của Bé Ký chính là một trong những tiếng nói đó, đầy bản sắc và có thừa tư cách để phát biểu. Tôi muốn gợi lại một kinh nghiệm tương tự ở một dân tộc có nhiều gần gũi với chúng ta là Nhật Bản. Người Nhật Bản rất trân quý những giá trị dân gian mà họ xem là đặc thù của dân tộc, họ giữ gìn những tài liệu sống động về cuộc đời, sinh hoạt và tác phẩm của một nghệ sĩ gốm, một người thợ làm giấy bản, một nghệ nhân dệt lụa… Dĩ nhiên, những người nghệ sĩ dân gian ấy đều đã đạt đến một mức độ tinh hoa đáng kể, và người Nhật đã nói về những người nghệ sĩ ấy như là các nhà bảo tàng sống của dân tộc họ về mỹ thuật và dân tộc học.

Trở lại với Bé Ký, bình tâm xem xét, chúng ta sẽ thấy Bé Ký chính là những người nghệ sĩ dân gian điển hình ấy của dân tộc. Nếu ngày nay, chúng ta kịp thời tiến hành những công trình tổng kết về Bé Ký, thì chắc chắn các thế hệ mai hậu sẽ được thừa hưởng một di sản văn hóa đáng kể.

Bé Ký là một khuôn mặt nghệ thuật đầy bản sắc suốt hơn bốn thập niên qua, với một cuộc hành trình đầy đam mê và rất thơ mô.ng. Trước đây, Bé Ký nổi bật với các hoạt động vui tươi và đầy sinh khí của bà ở Sài Gòn, ở miền Nam. Ở miền Bắc, người ta không biết đến Bé Ký. Nhưng ngày nay, tình hình đất nước đã đổi khác, đã trở thành một thể thống nhất, Bé Ký phải thuộc về toàn dân tộc, chứ chẳng thể của riêng ai. Chỉ còn một thời gian rất ngắn, chỉ một năm nữa thôi thì chúng ta sẽ bước qua một thế kỷ mớị Đã đến lúc có thể làm một bảng tổng kết các hoạt động của thế kỷ. Là một người yêu mến nghệ thuật, để tâm đến các hoạt động trong lãnh vực này suốt cả mấy mươi năm qua, tôi muốn nhắc mọi người rằng Bé Ký cũng là một khuôn mặt rất đặc biệt của nửa thế kỷ vừa qua, đó là một phụ nữ đáng nhớ vì những đóng góp đầy giá trị nhân văn và dân tộc rất độc đáo và đặc sắc. Không vươn đến một tầm mức cao của trí tuệ được tỏa sáng, Bé Ký chỉ mở rộng bằng cái tài hoa bẩm sinh để đến với mọi người bình thường trong một tình cảm ấm áp và nhân hậụ Sự nghiệp của Bé Ký cũng là một đóng góp đáng kể vào sự nghiệp to lớn về văn hóa, văn nghệ của toàn bộ dân tộc vậy.

www.dactrung.net

TRANH BÉ KÝ

Bé Ký

Bé Ký sinh năm 1938 tại Hải Dương. Mồ côi cha mẹ từ năm 8 tuổi nhưng lại được học vẽ với nhiều họa sĩ tài danh như Trần Đắc, Trần Văn Thọ, Văn Đen. Trần Đắc do thấy Bé Ký có năng khiếu nên đã nhận làm học trò và truyền lại những kinh nghiệm ông có được ở trường A.B.C bên Pháp. Phương pháp của trường A.B.C là thu các nét chính trong bảng mẫu tự vì viết được thì sẽ vẽ được. Do vậy khi vẽ trên lụa thì họa sẽ sẽ tạo ra những nét mềm mại và rất đặc biệt.

Nét vẽ của Bé Ký đơn sơ và mộc mạc nhưng chứa đựng cả một tâm hồn lớn. Đề tài của bà rất đời thường và giản dị, gồm những cảnh sinh hoạt nơi miền quê thôn dã hay sinh hoạt gia đình. Chủ đề tình cảm gia đình như mẹ con hay bà cháu rất hay được bà khai thác, có lẽ do thiếu tình yêu thương của người mẹ từ khi còn nhỏ cho nên tất cả tình cảm đã được bà dồn nén thể hiện lên các bức tranh. Mỗi bức tranh đều chứa những cảm xúc và sắc thái riêng, có thể gợi nên kỷ niệm của cả một đời người.

Những bức tranh mực tàu thể hiện được rõ cá tính riêng của bà. Chỉ vài nét phóng bút với bố cục đơn giản và gọn gàng vẫn gợi ra được nhiều hình ảnh với người xem. Tranh bà có những nét vẽ của tranh dân gian nên gợi cho người xem một sự hoài cổ, sâu lắng,

Trong những ngày đầu học với Trần Đắc, bà thường mang theo tập giấy trắng và bìa cứng để ra phố vẽ theo lối hoạt họa mô tả cảnh sinh hoạt ngoài đường phố. Những khung cảnh này sau này ăn đậm trong tâm trí bà nên rất nhiều tác phẩm của bà có khung cảnh sinh hoạt giản dị, những góc phố, những con người mang dánh vẻ hiền hòa và thanh bình đầy vẻ dân tộc. Bà cũng sáng tác nhiều tác phẩm bằng chất liệu sơn mài với những nét vẽ đơn giản

Tranh màu nước của Bé Ký cũng có màu sắc đặc biệt, nhẹ nhàng và ấm áp. Dù cho đôi mắt của những nhân vật chỉ thể hiện qua những nét vạch đơn sơ nhưng lại có nhiều ý tưởng và chan chứa rất nhiều tình cảm và sống động, lôi cuốn người xem.

bk5

Đầu Xuân – Early Spring

bk2

Mẫu Tử

bk3

Mẹ Con – Mother and Son

bk8

Mẹ Con II – Mother and Son II

bk4

Hòa Bình – Peace

bk6

Âu yếm – Tender Kiss(mẫu tử)

bk1

Thiếu Nữ – Young Moman

(Nguồn: johnsonartcollection.com)

(còn tiếp)

DSCN1945

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.