Tiếng tơ đồng ngày cũ với cố NS Hoàng Trọng

logo nhạc

TÂN NHẠC VIỆT NAM – BAN HỢP XƯỚNG TIẾNG TƠ ĐỒNG

Nhạc sĩ Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương. Năm 1927 gia đình ông chuyển về sống tại Nam Định. Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng với danh hiệu “Vua Tango của Âm nhạc Việt Nam”.

NS Hoàng Trọng bắt đầu học nhạc từ năm 1933 qua người anh trai là Hoàng Trung Quý. Từ năm 1937, NS Hoàng Trọng học nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Định. Đến năm 1941, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ một trường ở Paris. Cũng thời gian ở Nam Định, khoảng 1940 NS Hoàng Trọng có mở một lớp dạy nhạc.

tiengtodong_NS Hoàng Trọng

Hoàng Trọng và ban Tiếng Tơ Đồng trong buổi phát hình trên Truyền Hình Việt Nam năm 1968.
NS Hoàng Trọng và “Ban Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng” trong buổi phát hình trên Truyền Hình Việt Nam năm 1968.

Năm 15 tuổi, NS Hoàng Trọng cùng các anh em trong gia đình Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh và một số bạn bè như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ… lập một ban nhạc. Ban đầu ban nhạc không có tên và gần như chỉ để giải trí. Năm 1945 NS Hoàng Trọng mở phòng trà Thiên Thai ở Thái Bình, và bạn nhạc từ ấy mang tên “Thiên Thai”. Ban “Thiên Thai” trình diễn ở đó mỗi tối và hoạt động tới năm 1946, khi chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ.

Cuối thập niên 1930, Tân Nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành, NS Hoàng Trọng cũng có sáng tác đầu tay “Đêm Trăng” được viết năm 1938, khi ông mới 16 tuổi. Một số bản nhạc tiếp theo của ông đã được NS Phạm Duy trình bày trên sân khấu của gánh hát Đức Huy, trong đó có “Tiếng Đàn Tôi”, một trong những bản Tango đầu tiên của Việt Nam. Một bản nhạc tiền chiến nổi tiếng khác của NS Hoàng Trọng thời gian đó là “Một Thuở Yêu Đàn”.

Ca khúc đầu tiên Vầng Trăng Sáng (ĐêmTrăng) của NS Hoàng Trọng.
Ca khúc đầu tiên Vầng Trăng Sáng (Đêm Trăng) của NS Hoàng Trọng.

tiengtodong_Hoàng Trọng

Vì chiến tranh, ông di chuyển khỏi Nam Định, qua phủ Nho Quan, Phát Diệm và cuối cùng định cư tại Hà Nội năm 1947. Thời gian đó ông đã viết bản “Phút Chia Ly, một nhạc phẩm tango giá trị, do NS Nguyễn Túc đặt lời. Cũng trong khoảng thời gian ở Hà Nội, NS Hoàng Trọng liên hệ với những nghệ sĩ của đài phát thanh như Mộc Lan, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ… nhờ đó các nhạc phẩm của ông được phổ biến. NS Hoàng Trọng cũng viết cuốn “Tự Học Hạ Uy Cầm”, tích lũy từ những kinh nghiệm dạy đàn trước đó, và được nhà xuất bản Thế Giới phát hành.

tiengtodong_BanHoangTrong1958

Ban Hợp Ca Tiếng Tơ Đồng và NS Hoàng Trọng.
Ban Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng và NS Hoàng Trọng.

tiengtodong3

Năm 1950, NS Hoàng Trọng gia nhập quân đội. Ông là trưởng ban Quân nhạc Bảo Chính Đoãn trình diễn mỗi tuần tại một vườn hoa cạnh Bưu Điện Hà Nội (vườn hoa Indra Gandi?) và trong chương trình Tiếng nói Bảo Chính Đoãn của đài phát thanh Hà Nội. Khoảng thời gian này, ông viết nhiều bài hát, trong đó có “Gió Mùa Xuân Tới”. Năm 1953 tên tuổi NS Hoàng Trọng thực sự nổi tiếng với “Nhạc Sầu Tương Tư”, ca khúc đó được trình diễn thường xuyên trên đài phát thanh khi ấy. Năm đó ông còn viết một bản tango khác là “Dừng Bước Giang Hồ”.

Năm 1954, NS Hoàng Trọng di cư vào miền Nam, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi 3 con: Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, và Hoàng Bạch La. Tại Sài Gòn, ông thành lập những ban nhạc trình diễn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Quân Đội, Đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền hình Việt Nam. Những ban nhạc của ông hoạt động đến tận 1975, từng mang nhiều tên khác nhau như “Hoàng Trọng”, “Tây Hồ”, “Đất Nước Mến Yêu”…

Đặc biệt từ năm 1967 ông thay đổi tên mới: “Ban Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng”, với các ca sĩ, nhạc sĩ danh tiếng của Sài Gòn khi đó, đã trình bày nhiều ca khúc tiền chiến giá trị.

tiengtodong_NhacSauTuongTu bìa

tiengtodong_NhacSauTuongTu-HoangTrong

tiengtodong_BacMotNhipCau-HT-HDP-biatruoc

tiengtodong_BacMotNhipCau-HT-HDP1

Khoảng thời gian ở Sài Gòn, NS Hoàng Trọng sáng tác rất mạnh mẽ, nhiều ca khúc nổi tiếng như “Ngàn Thu Áo Tím”, “Lạnh Lùng”, “Bạn Lòng”, “Mộng Lành”, “Tiễn Bước Sang Ngang”, “Ngỡ Ngàng”… Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài. Số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc… Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, NS Hoàng Trọng viết tango nhiều và được xem là người thành công nhất với danh hiệu “Vua Tango”.

Ông cũng tham gia viết nhạc phim, một vài phim có tiếng như “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương”, “Giã Từ Bóng Tối”, “Người Tình Không Chân Dung”, “Sau Giờ Giới Nghiêm”, “Bão Tình”. Với nhạc nền trong bộ phim “Triệu Phú Bất Đắc Dĩ”, NS Hoàng Trọng đã được giải thưởng “Văn Học Nghệ Thuật” của Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1972 – 1973.

Sau 1975, NS Hoàng Trọng chỉ sáng tác một vài ca khúc và không phổ biến. Bản cuối cùng của ông là “Chiều Rơi Đó Em”. Năm 1992 NS Hoàng Trọng sang định cư tại Hoa Kỳ và qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998.

tiengtodong4

tiengtodong5

tiengtodong6

Tác phẩm:

Lời Hồ Đình Phương:

• Bạn lòng
• Bắc một nhịp cầu
• Bên bờ đại dương
• Chiều nhớ mẹ
• Đầy bình minh
• Gió mùa xuân tới
• Gửi hương cho gió
• Hai mối tình yêu
• Hương yêu
• Hương mùa thanh bình
• Khúc hát mùa chiêm
• Mộng ban đầu (thơ Hồ Đình Phương)
• Mộng lành
• Mộng đẹp ngày xanh
• Mộng ngày hồi hương
• Mùa lúa mới
• Ngỡ ngàng
• Nguồn mến yêu
• Nhớ thương
• Nhớ về Đà Lạt
• Thuyền chờ
• Tiễn bước sang ngang
• Trăng lên
• Trăng về
• Tình đầu
• Tình trăng

Khác:

• Bão tình (lời Duy Viêm)
• Cánh hoa yêu (thơ Vĩnh Phúc)
• Chiều tha hương (thơ Quách Đàm)
• Ngàn thu áo tím (thơ Vĩnh Phúc)
• Nhạc sầu tương tư (lời Hoàng Dương)
• Nhịp võng ngày xanh (lời Thanh Nam)
• Phút chia ly (lời Nguyễn Túc)
• Thương về quê cha (thơ Vĩnh Tâm)
• Vui cảnh mùa hè (lời Hoàng Dương)

Tự viết:

• Bẽ bàng
• Bến mơ
• Bên sông đưa người
• Bơ vơ
• Bóng trăng xưa
• Buồn nhớ quê hương
• Cánh hoa xưa
• Châu Đốc miền quê yêu
• Chiều mưa
• Chiều mưa nhớ Bắc
• Chiều rơi đó em
• Chiều về thôn xưa
• Chiều vũng tàu
• Đêm trăng
• Đêm về
• Đẹp giấc mơ hoa
• Dừng bước giang hồ
• Đường về
• Đường về dĩ vãng
• Em còn nhớ không em
• Gió lạnh chiều đông
• Hai phương trời cách biệt
• Hẹn gió xuân về
• Hình ảnh quê xưa
• Hoa xuân
• Hồn thanh niên
• Hương đời đẹp tươi
• Hương mộc lan
• Khóc biệt kinh kỳ
• Khúc ca màu xanh
• Khúc đàn tâm
• Khúc nhạc xuân
• Khúc tình ca ngày cưới
• Lá rụng
• Lạnh lùng
• Mộng cô đơn
• Mộng đẹp tình xuân
• Một người lên xe hoa
• Một nụ Cười
• Một thuở yêu đàn
• Mùa hoa thắm
• Người đi chưa về
• Người tình không chân dung (Anh là ai)
• Nhặt lá vàng
• Nhớ hoài
• Nhớ thương
• Say say say
• Thôi đừng lưu luyến em ơi
• Thu qua
• Tiếng đàn tôi
• Tiếng lòng
• Tìm lại hương yêu
• Tìm một ánh sao
• Tình thơ mộng
• Tôi vẫn yêu hoa màu tím
• Trang nhật ký
• Trăng sầu viễn xứ
• Vào mộng
• Vui cảnh xây đời

Dưới đây mình có các bài:

– TIẾNG TƠ ĐỒNG & DÒNG NHẠC LÃNG MẠN CỦA HOÀNG TRỌNG
– Nhạc sĩ Hoàng Trọng với Ngàn Thu Áo Tím

Cùng với 10 clips tổng hợp “Ban Hợp Xướng Tiếng Tơ Đồng” tiêu biểu để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

tiengtodong13

TIẾNG TƠ ĐỒNG & DÒNG NHẠC LÃNG MẠN CỦA HOÀNG TRỌNG

(Biên soạn: Phan Anh Dũng)

Duyên Văn Nghệ với Gia Đình Nhạc Sĩ Hoàng Trọng

Nhân ngày Giỗ thứ 10 sắp tới của Nhạc Sĩ Hoàng Trọng, tôi nghĩ đến việc hoàn thành một trang nhạc đặc biệt trên website Cỏ Thơm để tưởng nhớ đến một trong những nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của Tân Nhạc Việt Nam. Dòng nhạc của Ông được nhiều thính giả yêu mến và tài nghệ của Ông được nhiều ca nhạc sĩ nhà nghề cùng thời khâm phục. Ông là một trong những người giỏi về hòa âm và là một nhạc trưởng có tài điều khiển các dàn nhạc thính phòng và hợp xướng trước 1975. Ban Nhạc Tiếng Tơ Đồng, do Ông sáng lập và điều khiển nổi tiếng một thời, theo ý riêng của tôi, có thể nói “chưa có đối thủ”. Từ thuở trung học cho đến bây giờ, tôi vẫn trân quý những bản nhạc không những giai điệu hay, dễ nhớ mà lời cũng thắm thiết như: Bên Bờ Đại Dương, Bạn Lòng, Dừng Bước Giang Hồ, Một Thuở Yêu Đàn, Mộng Lành, Mộng Ban Đầu, Mộng Đẹp Ngày Xanh, Ngàn Thu Áo Tím, Người Tình Không Chân Dung, Nhạc Sầu Tương Tư, Nhớ Về Đà Lạt, Tiễn Bước Sang Ngang, Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím …

tiengtodong14

Do cơ duyên, tôi đã gặp gỡ nhiều thành viên trong gia đình Nhạc Sĩ Hoàng Trọng, câu chuyện như thế này:

Năm 2003, Tâm Hảo và tôi sinh hoạt văn nghệ tài tử trở lại. Trong nhóm bạn yêu âm nhạc vùng Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi được dịp quen biết với anh Dương Ngọc Hoán, cựu nhân viên Đài Phát Thanh Quân Đội Sài Gòn và cũng là một thành viên trong Ban Nhạc Tiếng Tơ Đồng trước 1975. Mỗi lần gặp nhau, anh đều cố gắng hát cho thân hữu nghe lại vài bản nhạc của Nhạc Sĩ Hoàng Trọng và kể vài mẩu chuyện lý thú về “nghiệp ca hát”. Qua anh Hoán, tôi được nghe lại những bản nhạc đã bắt đầu bị “đưa vào quên lãng”.

Một ngày vào giữa năm 2005, tôi nhận được email mời đến dự đám giỗ Ông tại tư gia của vợ chồng Hoàng Dung & Hoàng Cung Fa (con trai của Nhạc Sĩ Hoàng Trọng). Chương trình này được tổ chức với một số bà con, bạn bè thân và có sự góp mặt của gia đình Bạch La (con gái của Nhạc Sĩ Hoàng Trọng), từ Đức sang. Tôi đã đến chơi và tham dự với bài hátNgười Tình Không Chân Dung. Anh rể tôi là Đàm Xuân Linh phụ đệm vĩ cầm và chị Giáng Tiêu đọc thơ đoạn giữa. Nhạc phẩm này để lại ấn tượng trong tôi khi xem cuốn phim cùng tựa đề ở “Sài Gòn ngày tháng cũ”, trong đó có tài tử Kiều Chinh, tiếng hát truyền cảm của ca sĩ Lệ Thu. Tôi nhận thấy NS Hoàng Trọng soạn nhạc nền ở phần giữa này đặc biệt, lạ và hay. Hình ảnh cái nón sắt nằm ngửa trên bờ ruộng và những lời hát khá “thê lương” vẫn còn trong trí nhớ của tôi, đủ biết bài nhạc đã gieo ấn tượng lớn như thế nào:

“… Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này
Bây giờ anh ở đâu? Bây giờ anh ở đâu ? Còn trên đời này ? …
Trong cái nón sắt của anh, mặt trời vẫn có đó, ban ngày
Và ban đêm, mặt trăng hoặc muôn muôn, triệu triệu vì sao vẫn còn đó, vẫn còn đó …”

Sau chương trình, anh Lâm Chấn Phong, bạn của Cung Fa, cho tôi biết anh đã rơi nước mắt khi nghe lại bài này. Anh nhớ đến kỷ niệm có thật trong cuộc chiến tranh đẫm máu: cái nón sắt của anh đã trúng đạn khi nhảy từ trực thăng xuống vùng địch, nhưng may mắn thay, nhờ nó mà anh thoát lưỡi hái tử thần. Hôm đó, tôi đã được nghe thêm nhiều bài rất hay như:Bắc Một Nhịp Cầu, Chiều Rơi Đó Em, Rồi Ngày Sẽ Trôi Qua, Người Đi Chưa Về … từ các thành viên trong gia đình của NS Hoàng Trọng như Bạch La, Đèo Văn Sách, Kim Phụng, Hoàng Oanh, Tuyết Lê … Ai hát cũng truyền cảm. Anh Sách có cung cách trình diễn của một ca sĩ chuyên nghiệp và cháu Ái Mi, con của Bạch La, đệm đàn keyboard cho mẹ hát rất vững và dễ thương.

tiengtodong15

tiengtodong16

Từ hôm đó, chúng tôi thư từ qua lại và gặp gỡ hai gia đình Hoàng Dung-Cung Fa và anh chị Đèo Văn Sách-Kim Phụng thường xuyên hơn qua các cuộc họp mặt văn nghệ. Cung Fa chẳng những có giọng ca mạnh và ấm, anh còn có tài đàn keyboard. Vì thế, tôi đã nhờ anh hát và đàn vài bản nhạc của tôi. Những năm gần đây, Cung Fa lại có hứng soạn nhạc. Tôi thích bài Mùa Thu Xưa, anh phổ thơ của văn thi sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung. Cung Fa, thành viên trong Ban Tiếng Tơ Đồng trước 75, cũng là một trong những giọng ca nam chính của vùng Thủ Đô với kỹ thuật rất vững. Theo ý của riêng tôi, anh hòa âm và diễn đạt bài Giọng Hát Năm Xưa (nhạc: Nguyễn Đức Nam, thơ: Hoàng Anh Tuấn) như một ca sĩ nhà nghề! Có một số bài của Hoàng Trọng anh hòa âm và hát cũng rất hay như: Gió Mùa Xuân Tới, Vui Cánh Mùa Hè … Tôi cũng có dịp hát một bài song ca với Cung Fa, đó là bản Có Sớm Ta Về của Nhạc Sĩ Thanh Trang. Anh Thanh Trang cũng rất khâm phục và quý mến nhạc của Hoàng Trọng. Cung Fa tính tình dễ dãi, ai nhờ gì anh cũng sẵn sàng giúp đỡ, tuy rất bận công việc! Dĩ nhiên, mọi chuyện cũng xong đâu vào đó, là nhờ tài quán xuyến của Hoàng Dung!

Khoảng thời gian 2005, tôi tham dự diễn đàn Nhạc Việt, nơi quy tụ nhiều nhạc sĩ không chuyên nghiệp. Trong Nhạc Việt tôi quen với cô Linh Chi, một người bạn học violin cùng Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn với cô Thu Tâm, hiền thê thứ hai của Nhạc Sĩ Hoàng Trọng. Nhờ Linh Chi cho địa chỉ email nên thỉnh thoảng tôi thư từ qua lại thăm hỏi cô Thu Tâm và mời cô đóng góp vài bài hát, như bài Thu Qua của Hoàng Trọng, trong các chương trình nhạc chủ đề trên website Cỏ Thơm. Trong lúc làm trang tưởng nhớ Nhạc Sĩ Hoàng Trọng, cô đã không ngại cho phổ biến một số hình ảnh thật hiếm quý. Trong vài tuần nữa cô và 2 con: Thiên Út và Kim Mi sẽ qua Virginia tham dự một chương trình văn nghệ Tưởng Nhớ Hoàng Trọng.

Cách đây vài tuần, anh Dương Ngọc Hoán gởi cho nghe nhạc phẩm Thiên Thai của Văn Cao do hai danh ca Anh Ngọc và Thái Thanh trình bày với phụ họa của Mai Hương, Kim Tước, và có lẽ có cả Quỳnh Giao, Bạch La, Bạch Lan Hương, Hà Thanh, Hoàng Oanh, Nhật Trường, Nhật Bằng, Thanh Sơn, Cung Fa … Kỹ thuật hợp xướng thật là điêu luyện với nhiều giọng bè cùng hòa âm do người nhạc sĩ tài ba Hoàng Trọng viết và điều khiển. Nghe bản nhạc này và nhìn những hình ảnh ngày xưa của Ban Tiếng Tơ Đồng tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc nhưng thoáng hãnh diện cho “thời kỳ vàng son” của Tân Nhạc Việt Nam. Nhạc Sĩ Hoàng Trọng đã ra đi vĩnh viễn nhưng Tiếng Tơ Đồng vẫn vang vọng, danh hiệu đời trao tặng cho Ông là “Vua Tango” vẫn không đổi thay, và các bản nhạc trữ tình của Ông sẽ ở mãi trong lòng người yêu âm nhạc thuần túy.

tiengtodong11

Nhạc sĩ Hoàng Trọng với Ngàn Thu Áo Tím

Là một trong những nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của “Tân Nhạc” Việt Nam, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango”. Vậy nhưng, “Ngàn Thu Áo Tím” – một ca khúc nổi tiếng của ông lại là một điệu valse nhịp nhàng, một bức tranh lãng mạn, bao trùm bởi màu tím…

Nhạc sĩ Hoàng Trọng là một trong những người giỏi về hòa âm và là một nhạc trưởng có tài điều khiển các dàn nhạc thính phòng và hợp xướng trước 1975. Ban Nhạc Tiếng Tơ Đồng, do ông sáng lập và điều khiển nổi tiếng một thời. Ông được người yêu nhạc cũng như các nhạc sĩ cùng thời mến mộ. Sáng tác của Hoàng Trọng là những ca khúc vượt thời gian. Không chỉ chinh phục khán giả cùng thời, mà ngày nay ca khúc của ông vẫn được các ca sĩ lựa chọn. Một trong số đó là bài hát “Ngàn Thu Áo Tím”.

Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa

Bài hát mở đầu với hình ảnh người con gái thướt tha trong tà áo dài màu tím bước đi trong buổi chiều dường như cũng tím cả cỏ hoa, mở ra cả một chân trời màu tím. Người con gái ấy sống trong gấm hoa, rất yêu màu tím – màu của sự thủy chung, chờ đợi nhưng cũng là màu của nhớ nhung, của sự chia ly. Thế cho nên – Ai bảo từ xa xưa nàng đã yêu hoa màu tím làm chi, để rồi khi biết yêu mới hiểu rằng tình yêu là đau khổ, là chia ly ?

Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ

Chàng như linh cảm màu tím buồn quá, chàng bắt nàng xa màu tím. Nhưng nàng vẫn nhớ nhung màu tím theo tình chàng. Họ đã xa nhau và mưa gió bi lụy theo lệ tiễn đưa. Chàng đã đi rồi, vì đời trai phong sương. Mưa rơi giăng lối làm tim nàng như tan vỡ…

Anh xa xôi bóng mưa giăng mờ lối
Anh xa xôi áo bay trong chiều rơi
Anh xa xôi áo ôm tim lẻ loi
Tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi

Cuối cùng vẫn chỉ là sự mong chờ trong cô đơn, thế nhưng nàng mãi mãi vẫn yêu màu tím. Hay hơn cả là ở phần điệp khúc của bản nhạc; điệu nhạc và lời ca đã thuyết phục được người nghe phải đắm chìm thả hồn và chết lịm đi theo ý nhạc, trong cái không gian màu tím buồn bã ấy. Chàng như bóng xa thẳm, nàng khoát lên màu tím thương chàng, thương cuộc tình người đi đã không trở lại.

Ngàn Thu Áo Tím

(Hoàng Trọng – Vĩnh Phúc)

Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa
Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ
Anh xa xôi bóng mưa giăng mờ lối
Anh xa xôi áo bay trong chiều rơi
Anh xa xôi áo ôm tim lẻ loi
Tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi
Mưa rơi rơi bóng anh như làn khói
Mưa rơi rơi bóng anh xa ngàn khơi
Mưa rơi rơi có hay chăng lòng tôi
Có hay bao giờ bóng người yêu tới
Từ khi xa anh em vẫn yêu và nhớ
Mà sao anh đi đi mãi không về nữa
Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ
Ướt trong chiều gió mưa
Khóc thương hình bóng xưa
Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm càng lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau.

oOo

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.