GS Cao Huy Thuần, sống ở Pháp trên 40 năm, tác giả Thấy Phật, có lần nói với tôi lâu nay ở xa đọc những bài viết về Nguyễn Bắc Sơn cứ nghĩ anh là một nhà thơ của lính, nay đọc “Nhớ nhớ quên quên” (Đỗ Hồng Ngọc, Như thị,Văn Nghệ, 2006) mới nhận ra một Nguyễn Bắc Sơn khác: nhà thơ của thiên nhiên, của tình yêu đầy nhân hậu…
Thật vậy, ở ngoài đời Nguyễn Bắc Sơn hiền như… bụt, với nụ cười chân chất dễ thương, bởi trong sâu thẳm, anh là một đạo gia, một thiền sư chính cống:“Những ngày ăn gạo lứt muối mè/ Những ngày xem Zen là lẽ sống”. Trong bài “Ở đời như một nhà thơ phương Đông”, anh viết “Một ngày kia y chiêm bái đồng lúa chin vàng/ Và nhìn thấy lòng hảo tâm của trời đất”.
Anh viết về bạn bè thì:
Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi…
Và về tình yêu thì:
Vì người đàn bà nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên ta suốt đời nhớ nhớ quên quên…
Mấy năm trước, gặp anh dưới chân núi Tà Cú, tôi viết tặng anh mấy câu:
Thơ ngươi hào khí ngất trời
Hơi men ngất đất hơi người ngất ngây
Từng phen ta đọc mà cay
Thương người thơ sống một đời cực Đông
Một gùi đầy ắp chân không
Lênh đênh xuống núi giữa mênh mông người
(Đỗ Hồng Ngoc.)
Lần đó anh gởi tôi tập bản thảo lạ: Thy Đạo. Thy viết hoa với chữ y dài và ghi chú thêm : Essays on the Tao of Poetry. Anh nói: Đây là vài chương sơ thảo. Đã có Kinh Thi, lẽ nào không có Thy Đạo? Tôi lật thử trang đầu:
“Sao gọi là Thy Đạo? Đạo là con đường đưa ta đến cõi miền Chân Thiện Mỹ, với miền thân tâm thường an lạc. cõi bờ chân hạnh phúc. Có nhiều con đừơng đi lên đỉnh núi, hãy chọn con đường phù hợp với riêng anh, nhưng cũng có một con đường chung nhất , là con đường tươi mát lá cây xanh: con đường thy ca, con đường của âm thanh du dương, dìu dặt, của thanh âm hài hòa hảo hợp. Con đường của diệu âm và ẩn ngữ, mật ngữ.
Thế gian ngôn ngữ nguyên phi chân
Nguyện ngộ Như lai chân thật ngữ.”
Tôi biết anh bắt chước người xưa khấn nguyện mỗi khi đọc kinh Phật: Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa!. Với anh là “nguyện ngộ Như lai chân thật ngữ”! Bởi có ngữ rồi mới có nghĩa. Không thể bỏ ngữ mà lấy nghĩa cũng như không thể bỏ nghĩa mà lấy ngữ. Huống chi ngữ còn có diệu âm, linh ngữ… Chỉ một tiếng Om đủ thức tỉnh chàng sa môn của Hermann Hesse sắp vùi mình xuống dòng nước sâu trong Câu chuyện của dòng sông! Không lạ, trước khi thuyết kinh Pháp Hoa, Phật đã xuất từ trong định “vô lượng nghĩa xứ” là vậy.
Thy Đạo viết tiếp:
Dường như có hai loại thơ: thơ thần và thơ thẩn. thơ dở và thơ hay, thơ phù du và thơ vĩnh cửu. Thy Đạo chỉ riêng dụng thơ thần và thơ thật, thơ tâm huyết, thơ tâm tủy. Còn thơ thẩn, thơ phù du, thơ phù phiếm, ấy là sản phẩm của các thi công, dùng để tranh danh đọat lợi. Xin miễn bàn.
Rồi ở chương tiếp theo, Thy Đạo bàn phương pháp luyện “Thơ thần” để trị bệnh và tăng cường sức khỏe. “Dùng bàn tay phải, bấm đầu ngón tay cái vào đầu ngón tay trỏ thành một vòng tròn. Ngón cái thụôc Thủ thái âm phế kinh, ngón trỏ thụôc Thủ dương minh đại tràng kinh. Phế dữ đại tràng vi biểu lý, kết liên nhị khí tất luân lưu. Giữ gìn năng lượng trong cơ thể. Tiếp nhận vi ba sóng điện âm”. Sau đó mới bắt đầu đọc thơ. Chẳng hạn với Kiều của Nguyễn Du: Trăm năm trong cõi người ta… mỗi câu phải đọc ít nhất 3 lần, có câu phải 6 hay 9 lần. Phải đọc tụng từ 36 câu trở lên mới thấy hiện tựơng đắc khí,.nhân thân rung chuyển. Đắc khí tức khai thông kinh mạch, huyệt đạo…
Cách đây vài tháng, anh thều thào gọi tôi qua điện thoại: “Đại ca ơi, tiều đệ mệt quá rồi… Thở không đựơc, ho hơn 3 tuần rồi, khạc ra máu… “. Tôi lo anh bị lao phổi. Nhưng aah quyết không chịu vào nhà thương. Đòi đi y học dân tộc . Tôi bảo cứ đến đó, nói là Nguyễn Bắc Sơn, bạn của Trương Thìn thì người ta sẽ ưu tiên cho ông. Anh đi liền. Ngay sau đó, anh cho biết: “khi tôi nói nguyễn bắc sơn bạn trương thìn” như anh dặn thì người ta đuổi tôi ra, còn đối xử với tôi tệ hơn mấy người khác! Anh buồn, giận, bỏ về. Tôi thấy không xong, bảo ông phải vào bệnh viện này này….có gì báo tôi ngay!
Tháng rồi nhân có lớp tập huấn chuyên môn ở Phan Thiết, xong phần mình tôi trốn đi cà phê với các bạn. Hú nhau một tiếng đã kéo đến đông vui. Chỉ thiếu Từ Thế Mộng. Hẹn ở quán cà phê thôi, vì ai cũng thương tôi không biết nhậu. Có đủ mặt “anh hào”, nào Nguyễn Bắc Sơn, nào Nguyễn Như Mây, Vũ Hy Triệu, Phan Anh Dũng, Trần Văn Hiếu, Liên Tâm… xúm xít ở một quán cà phê ven bờ biển Phan Thiết rạt rào sóng vỗ..…
Nhìn Nguyễn Bắc Sơn khỏe hẳn ra tôi hết sức ngạc nhiên. Hỏi, anh nói anh chẳng thèm đi nhà thương, bệnh viện gì cả, chỉ dùng Thần số công, phối hợp Thái Ất khí công và Hà đồ lạc thư cùng với vài thứ Dàlani bí truyền gì đó. Anh chỉ thay đổi có mấy chữ số mà … hiệu nghiệm tuyệt vời! Rồi cầm cuốn Nghĩ Từ Trái Tim viết về Tâm kinh Bát nhã của tôi trên tay, anh nói để anh bói cho mỗi người một quẻ. Nhà thơ nữ Liên Tâm liền đặt cho anh một câu, anh lâm râm khấn vái cái gì đó một lúc rồi lật trang sách ra, đọc mấy câu “xủ quẻ” rồi bắt đầu giải. Đúng… y boong!
Thơ Nguyễn Bắc Sơn rất dễ thương, dù là thơ làm tốc hành và đọc chỗ anh em:
Sáng nay anh đã nhậu rồi
Chiều nay nhất định anh ngồi anh tu
Con rùa thì có cái mu
Đời anh thì có lu bù vỏ chai…
(NBS)
Em đã lấy chồng anh chết điếng
Anh đi lơ ngơ té xuống giếng
Hoát nhiên đại ngộ. Anh nhận ra
Danh lợi, tình yêu đều mộng huyễn!
(NBS).
Tôi mong anh sớm hoàn tất tập “Thy Đạo” để chia sẻ cùng bè bạn, anh em.
Đỗ Hồng Ngọc
Phan Thiết, 7.2009