Tin tức cập nhật KONTUM(14/2/14)

Kon Tum: Trồng sắn dây thu nhập 300 triệu đồng/ha

sắn dây

KTO – Ngày 12.2, bà Tạ Thị Diệu- Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết, cây sắn dây mà người dân xã Ya Ly, huyện Sa Thầy đem vào trồng thử nghiệm phát triển rất tốt và cho thu nhập lên tới 300 triệu đồng/ha.

Thấy đây là cây trồng mới cho thu nhập cao, Trạm đã quyết định xây dựng mô hình và hỗ trợ cho 4 hộ gia đình trồng trên diện tích 1ha tại làng Tum, xã Ya Ly.

Kết quả, các hộ thu hoạch được 6 tấn tinh bột, bán với giá 70.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, nông dân còn thu được trên 300 triệu đồng/ha. Việc trồng cây sắn dây đang được người dân huyện Sa Thầy tiếp tục nhân rộng.

 

Luật tục về sở hữu và quản lý tài nguyên đất của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

luật đất đai

Theo luật tục Tây Nguyên, chủ của đất và rừng chính là các làng, tất cả rừng núi đã được “chia” cho từng làng từ xa xưa, “đã là như vậy từ tổ tiên muôn đời truyền lại”, đã được “Yang (tức Thần linh) giao cho từng làng”, có ranh giới rất rõ rệt. Đất, rừng của làng là thiêng liêng, không ai được xâm phạm, không ai được làm ô uế. Người ta gọi đó là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng.

Tây Nguyên có khoảng 20 dân tộc khác nhau. Các dân tộc ở Tây Nguyên thuộc hai ngữ hệ khác nhau: Môn-Khơme (hay Nam Á) có các dân tộc ở Bắc Tây Nguyên như các dân tộc Xơ Đăng, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Rơ Mâm, Ba Na, Brâu, Ê-đê…, và Malayo-Polynésien (hay Nam Đảo) là các dân tộc ở miền Nam Tây Nguyên như các dân tộc Mơ Nông, Kơ Ho, Mạ, Sre, Stiêng… Đông, mạnh nhất ở Tây Nguyên là dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng. Cũng có những dân tộc rất nhỏ như người Châu ở trong thung lũng Mường Hon của núi Ngok Linh, chỉ có khoảng 80 người…

Buôn làng là đơn vị xã hội cơ bản, duy nhất, độc lập và cao nhất (cũng không có đơn vị nhỏ hơn làng) của xã hội truyền thống Tây Nguyên. Mỗi buôn làng là một chỉnh thể thống nhất của môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá và tâm linh. Các buôn làng đều có ranh giới đất rừng và chủ quyền riêng trên lãnh thổ, được đứng đầu bởi Hội đồng già làng, là những người có uy tín làm nhiệm vụ trông nom, quản lý và điều hành các công việc liên quan đến đời sống mọi mặt của cộng đồng. Hội đồng già làng quản lý làng theo một hệ thống luật pháp đặc biệt: luật tục (droit coutumier) của làng, tức những điều được cả cộng đồng công nhận và tuân theo như là luật, song lại tồn tại dưới hình thức là những phong tục, được truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Thiết chế tự quản buôn làng có thể coi là giá trị văn hoá xã hội hay văn hoá ứng xử đặc trưng tiêu biểu của người dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên. Đó là một bộ máy đơn giản nhưng hoạt động hiệu quả và chi phối tất cả các khía cạnh sinh hoạt của buôn làng.

Theo luật tục Tây Nguyên, chủ của đất và rừng chính là các làng, tất cả rừng núi đã được “chia” cho từng làng từ xa xưa, “đã là như vậy từ tổ tiên muôn đời truyền lại”, đã được “Yang (tức Thần linh) giao cho từng làng”, có ranh giới rất rõ rệt. Đất, rừng của làng là thiêng liêng, không ai được xâm phạm, không ai được làm ô uế. Người ta gọi đó là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng. Sở hữu rừng của một làng gồm có những loại rừng sau đây: Rừng đã biến thành đất thổ cư; Rừng sản xuất, tức khu rừng dân làng khai thác để làm rẫy; Rừng sinh hoạt, là nơi dân làng tìm lấy những thứ cần thiết cho mọi sinh hoạt của mình: con ong, cái mật, dây mây, rau ăn, con thú để săn bẫy, gỗ để làm nhà…; Rừng thiêng (hay rừng ma) là nơi trú ngụ của các Yang (Thần linh), không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn. Tất cả các loại rừng đó hợp thành không gian sinh tồn (espace vital), hay cũng có người như Condominas gọi là không gian xã hội (espace social) của làng. Một làng cần có đủ các loại rừng kể trên để có thể sinh tồn như một không gian xã hội, làm nên tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên.

Hội đồng già làng quản lý sở hữu tập thể này của cộng đồng làng bằng một hệ thống luật tục chặt chẽ và sinh động. Trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, luật tục tập trung giải quyết vấn đề sở hữu, quản lý và bảo vệ của buôn làng với đất đai, rừng rú và với tài nguyên thiên nhiên nơi cư trú, cùng với đó là những quy định liên quan đến bảo vệ sản xuất, bảo vệ nương rẫy, bảo vệ các nguồn lợi tự nhiên trong phạm vi quản lý của buôn làng. Hội đồng già làng chia khu rừng sản xuất cho các hộ trong làng để làm rẫy theo đúng những quy định trong luật tục, cũng theo đúng những quy định đó khai thác khu rừng sinh hoạt cho các nhu cầu hằng ngày của mình, giữ gìn khu rừng thiêng, và tôn trọng đúng các tập quán trong làng, tức trong khu rừng đã biến thành đất thổ cư, thành làng. Hằng năm, đất rừng làm rẫy có thể được điều chỉnh lại giữa các hộ nếu có người đông lên hay giảm đi. Về nguyên tắc, các hộ trong làng có thể chuyển đổi đất rừng canh tác cho nhau, nhưng tuyệt đối không được chuyển nhượng ra khỏi làng. Trong các tội danh nhằm duy trì mối quan hệ xã hội, luật tục đặc biệt chú ý cũng như xét xử và trừng phạt nghiêm khắc các tội lấn chiếm đất đai, phá hoại nương rẫy, đốt phá rừng bừa bãi,..

Kon Tum là 1 trong 6 tỉnh chưa có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

 KTO – Theo Bộ GD&ĐT, Kon Tum là một trong 6 tỉnh không có trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia bên cạnh các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh…

Ngày 13/2, Bộ GD&ĐT cho biết, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở một số tỉnh còn khó khăn, thiếu thốn. Số lớp ghép 2-3 độ tuổi vẫn còn nhiều: lớp ghép 3 độ tuổi có 4.924 lớp (chiếm tỷ lệ 3,3%), lớp ghép 2 độ tuổi có 4.012 lớp (chiếm 2,6%). Vẫn còn một số ít địa phương thực hiện chương trình 26 tuần ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Một số tỉnh, thành phố không có trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia như Bình Định, Kon Tum, Ninh Thuận, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh…

KTO

 Cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở địa bàn Tây Nguyên

 Thời gian gần đây, tội phạm ma túy ở địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh triệt phá nhiều vụ án ma túy ở địa bàn và vùng giáp ranh nước bạn LàoCampuchia
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong năm 2013, toàn tỉnh Gia Lai có 977 đối tượng liên quan đến ma túy. Trong đó có hơn 700 người nghiện (tăng 35,6% so với cuối năm 2012), toàn tỉnh Gia Lai hiện có 123/222 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố có đối tượng ma túy, tăng 13 địa bàn so với cuối năm 2012.

Trong năm 2013, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (PC47) Công an Gia Lai đã phối hợp với Công an các địa phương và Công an các tỉnh khám phá hơn 30 vụ, bắt gần 100 đối tượng, thu giữ hơn 100 gam heroin, 15 gam ma túy đá, hơn 120 triệu đồng và các đồ vật, tài sản khác có liên quan. Điển hình là vụ phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh vào cuối tháng 12/2013, do Nguyễn Đức Vấn (SN 1977, ở Ea Hleo, Đắk Lắk) cầm đầu. Đối tượng đã nhiều lần mua heroin từ các tỉnh phía Bắc với số lượng lớn đưa vào bán cho các con nghiện trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk kiếm lời. Liên quan đường dây buôn bán ma túy này, cơ quan Công an đã bắt giữ các đối tượng: Lê Đình Tuấn (SN 1962), Nguyễn Văn Dầu, ở Thái Nguyên.

tang vật ma túy

Tang vật một vụ án ma túy.

KTO.vn – Hay đường dây mua bán trái phép chất ma túy do Nguyễn Duy Côi ở Điện Biên cầm đầu, Côi có tiền án về tội mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy. Ra tù, Côi chuyển vào làm ăn ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai và tiếp tục móc nối với nhiều đối tượng đưa ma túy từ các tỉnh phía Bắc vào Gia Lai tiêu thụ. Khi bị bắt giữ, cơ quan Công an phát hiện gần 80 gam heroin được đối tượng tàng trữ trái phép…

Tại tỉnh Kon Tum, tội phạm ma túy phức tạp ở địa bàn huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô và TP Kon Tum.

Trong năm 2013, Công an Kon Tum và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện và bắt giữ 105 vụ với 234 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (tăng 12 vụ, 25 đối tượng so với năm 2012), tang vật thu giữ 552 tép heroin, 58 viên ma túy tổng hợp. Cơ quan Công an đã khởi tố 83 vụ, 130 bị can và xử lý hành chính 93 đối tượng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Kon Tum cũng đã đấu tranh 2 chuyên án, bắt 3 vụ, 8 đối tượng mua bán, tàng trữ chất ma túy, thu giữ 3,37 gam heroin.

Hoạt động của tội phạm ma túy ở địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum thường do các đối tượng vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào tiêu thụ tại các địa bàn có nhiều đối tượng nghiện ma túy. Tại các địa điểm biên giới như khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), giáp ranh 3 nước Việt Nam-Lào- Campuchia, và khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai), thời gian gần đây có xảy ra tình trạng buôn bán ma túy trái phép. Tuy số lượng không lớn nhưng đã có liên kết giữa những đối tượng ở các tỉnh và nước bạn Lào, Campuchia để tổ chức thành đường dây buôn bán ma túy. Năm 2013, Công an huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã phát hiện 21 vụ buôn bán ma túy và bắt giữ 32 đối tượng, tăng 14 vụ so với năm 2012.

Đáng chú ý là đã phát hiện ma túy tổng hợp vận chuyển từ Lào vào địa bàn Kon Tum qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y với số lượng 4.000 viên ma túy tổng hợp. Đối tượng Ngô Văn Dầu (SN 1984), Việt kiều Lào, thường trú tại thị xã Samakisay, tỉnh Atôpư, Lào và Lê Thanh Hoàng (SN 1972), ở Bố Trạch, Quảng Bình đã cấu kết với 2 đối tượng: Pon Xi Pun Hương (48 tuổi) và Lẹ (38 tuổi) quốc tịch Lào, hoạt động mua bán ma túy…

Theo Công an các tỉnh Tây Nguyên, để hạn chế tội phạm ma túy trên địa bàn, ngoài việc đấu tranh triệt phá các đường dây buôn bán ma túy, cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề người nghiện ma túy. Điều này cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành, gia đìnhxã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật về phòng, chống ma túy với công tác cai nghiện và tạo công ăn việc cho người sau cai nghiện

Kon Tum: Vụ cưỡng đoạt 1,8 tỷ đồng có nguy cơ “chìm xuồng”!

Vụ việc kéo dài đã gần hai năm, nạn nhân đã gửi đơn cầu cứu nhiều lần đến các quan bảo vệ pháp luật tỉnh Kon Tum, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết và đang có dấu hiệu bị “chìm xuồng”.

Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Tố Nữ (38 tuổi, ngụ tại 122 đường Phan Chu Trinh, P.Thắng Lợi, TP Kon Tum), chị gái của bà là bà Nguyễn Thị Kim Loan (44 tuổi, ngụ tại 128 đường Phan Chu Trinh) có vay mượn của vợ chồng ông V.Đ.N.A, bà L.T.B.L (là giáo viên đang công tác tại TP Kon Tum) với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tối ngày 25.2.2012, một loạt các đối tượng lạ mặt do bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết (tự Tuyết Chỉnh) cầm đầu cùng với hàng chục đàn em bịt kín mặt, trên tay lăm lăm hung khí, mình xăm trổ hung hãn đến “hỏi thăm”… con nợ là bà Nguyễn Thị Kim Loan!

Nhưng do lúc này bà Loan không có mặt tại nhà, còn em gái bà Loan là bà Nguyễn Thị Tố Nữ qua trông coi cửa hàng bán điện máy giùm. Khi băng nhóm đòi nợ thuê xông vào nhà, bắt gặp bà Nguyễn Thị Tố Nữ đang ở trong nhà liền khống chế. Thậm chí bà Tuyết nhảy vào hành hung bà Nữ, một đối tượng khác còn đe dọa bà Nữ và ép bà?phải viết giấy nợ để trả thay cho chị gái mình.

Trước tình thế đơn độc, bị bức ép bởi nhiều đối tượng dữ dằn, bà Nữ đã phải chấp nhận viết giấy nợ với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng và chấp nhận yêu cầu của nhóm bà Tuyết là trong vòng một tháng rưỡi phải trả đủ số tiền 1,8 tỷ đồng… nếu không từng người một trong gia đình sẽ bị “xử đẹp”. Dưới sức ép liên tục cũng như nhận được nhiều tin nhắn đe dọa, đến ngày 7.3.2012 bà Nữ đã buộc phải giao nộp số tiền 1,8 tỷ đồng cho nhóm bà Tuyết.

Sau khi bị cưỡng đoạt số tiền 1,8 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Tố Nữ đã làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết và có dấu hiệu bị “chìm xuồng”.

Mới đây, ngày 28.11.2013, nhận được đơn cầu cứu của bà Nữ, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản số 3333 nêu: Nội dung đơn tố cáo bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết và một số đối tượng khác có hành vi cưỡng đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Tố Nữ nên bà Nữ đã khiếu nại về việc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Kon Tum không khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, giải quyết vụ việc…

Sau khi nghiên cứu nội dung đơn nêu trên, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum để xem xét, giải quyết và thông báo cho Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an biết kết quả.

Đã gần hai năm trôi qua, bà Nguyễn Thị Tố Nữ đã mòn mỏi gõ cửa khắp nơi tìm công lý. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Kon Tum sớm đưa vụ việc xem xét để xử lý theo pháp luật, không để vụ việc kéo dài thêm gây bức xúc trong dư luận.

Làm rõ sai phạm thi công sáu năm chưa xong 2,7 km đường ở Kon Tum

Được khởi công xây dựng năm 2007, nhưng đến nay việc thi công Dự án đường Nam Quảng Nam đoạn qua tỉnh Kon Tum vẫn còn dang dở, trong lúc nguồn vốn đầu tư đã hết thời hạn giải ngân, gây lãng phí, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội không chỉ đối với địa phương tỉnh Kon Tum mà còn đối với cả tỉnh Quảng Nam.

Làm đường ở Kontum

Nhà thầu bỏ công trình, đường dẫn vào cầu ngổn ngang đất đá.

Dự án đường Nam Quảng Nam đoạn qua tỉnh Kon Tum có chiều dài 13,56 km được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, Dự án đường Nam Quảng Nam đoạn qua tỉnh Kon Tum được chia làm tám gói thầu xây lắp, với tổng kinh phí đầu tư gần 160 tỷ đồng. Đến năm 2011 có 6/8 gói thầu đã hoàn thành, riêng hai gói thầu số 2 và số 3 vẫn còn dang dở.

Tại gói thầu số 3, dài 2,7km có giá trị hơn 25 tỷ đồng, bắt đầu từ điểm tiếp nối giữa hai huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Gói thầu này cùng được khởi công từ năm 2007 và theo dự kiến đến 2-2009 là xong. Tuy nhiên đến nay sau nhà thầu (Công ty CP Đức Thành-Gia Lai) vẫn không hoàn thành, mặc dù đã hai lần được gia hạn thời gian hoàn thành, lần đầu từ 24-2-2009 đến 23-10-2010, lần hai từ 23-10-2010 đến 22-4-2011. Tất cả những gì mà đơn vị thi công làm được chỉ là san ủi mặt bằng, rãi đá cấp phối và bỏ lại. Do đây là đoạn giáp ranh giữa Đông –Tây trường Sơn mưa nhiều nên tuyến đường thường xuyên bị sạt lở khiến đi lại rất khó khăn. Mặc dù vậy nhưng chủ đầu đã giải ngân tới gần 22 tỷ cho nhà thầu, trong khi tổng giá trị theo hợp đồng chỉ 25 tỷ đồng.

Tại gói thầu số 2 do Công ty Vận tải và Thương mại Đà Nẵng thi công. Hiện tại công việc xây lắp cầu đã xong nhưng đường dẫn vào cầu không thi công nên gây khó khăn cho việc đi lại. Gói thầu này, chủ đầu tư cũng đã giải ngân được 17,5/19,2 tỷ đồng. Hiện tại hai nhà thầu của gói thầu số 2 và số 3 đã bỏ công trình, dẫn đến tình trạng công trình dang dở, hết nguồn vốn đầu tư, nợ các nhà thi công không có nguồn vốn chi trả.

Theo ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum thì do thời tiết trên đoạn thi công này phức tạp, mưa nhiều nên thi công chậm. Ngoài ra dự án đến năm 2010 hết nguồn vốn nên không có tiền trả cho đơn vị thi công, vì vậy hai đơn vị này đã bỏ công trình.

Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, cùng một điều kiện thời tiết khí hậu như nhau, nhưng tại sao các nhà thầu tại tỉnh Quảng Nam hoàn thành công trình trước tiến độ, đã đưa vào sử dụng công trình năm 2011. Còn tại địa bàn Kon Tum phải chăng do thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ.
Để làm rõ vấn đề này, tháng 10-2013, trong quá trình thanh, kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ngành Thanh Tra tỉnh Kon Tum đã phát hiện nhiều sai phạm ở công trình này. Cụ thể, thanh tra phát hiện đơn vị chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán khối lượng xây lắp không đúng quy định dẫn đến giá trị giải ngân vượt so với giá trị A-B nghiệm thu tại gói thầu số 2, số 3 là 5.558.233.000 đồng; Cũng tại hai gói thầu này, được thi công từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí về vật chất và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh tra tỉnh cũng đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Kon Tum làm rõ nguyên nhân dự án đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng để có cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi công chậm tiến độ; đồng thời tiến hành làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm trên.

Từ ngày 16-9-2013, Bộ Giao thông Vận tải đã nâng cấp tuyến đường Nam Quảng nam trên thành Quốc lộ 40B, đồng thời đồng ý cho Sở Giao thông Vận tải Kon Tum sử dụng nguồn kinh phí sửa chữa Quốc lộ trên để tiếp tục thi công nốt phần còn lại của công trình.

Dân đi tìm gỗ trắc

Vài tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) mỗi ngày có hàng chục người dân lặn lội men theo các con suối, bờ ruộng ngập nước để tìm kiếm gỗ trắc với mong muốn đổi đời.

gỗ trắc

Những lóng gỗ trắc 100 tuổi

Nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi tìm gỗ trắc bắt nguồn từ việc mới đây, ông A Phúc, Chủ tịch UBND xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) trong một lần đi ra con suối cạnh nhà bắt cá đã phát hiện một cây gỗ trắc dài khoảng 8m bị vùi sâu dưới lòng suối lâu năm. Cây gỗ trắc này được ông A Phúc bán cho tư thương với giá 120 triệu đồng. Nhiều người dân của thôn Đăk Năng (xã Đăk Sú, huyện Ngọc Hồi) trong lúc đi tìm gỗ trắc cũng phát hiện dưới lòng suối Đăk Hniêng một gốc gỗ trắc, bán được 60 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 3/2011, ông Nguyễn Ngọc Thanh (53 tuổi, trú xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) trong lúc đào hố trồng chuối ở cuối vườn nhà phát hiện cây trắc lõi lâu năm, chiều dài 21m, nằm sâu dưới lòng đất bùn 0,5m, bán được 1,12 tỷ đồng…

Được biết, vùng đất thuộc huyện Đăk Hà và Ngọc Hồi trước đây là “vùng rốn” của gỗ trắc. Sau năm 1975, để trồng cây cà phê, các nông trường đã khai thác rừng trắc lấy đất canh tác, chỉ thu gom một số gỗ trắc lớn, số còn lại (cây nhỏ, gốc, rễ, cành…) họ dùng xe ủi lùa xuống các ao hồ, khe suối…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà còn tồn tại khu rừng đặc dụng Đăk Uy do Nhà nước quản lý với trữ lượng gỗ trắc tương đối nhiều. Đây cũng là bài toán nan giải cho chính quyền sở tại khi thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trắc quý hiếm trước nạn lâm tặc đang ngày đêm nhòm ngó.

Tư Chơi Xóm Lò Heo Kontum tổng hợp

 

 

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.