“Tình người,tình ngựa “-Phiếm của Hoàng Hải Thủy

Phiếm:

TÌNH NGƯỜI, TÌNH NGỰA

hht96

Hoàng Hải Thủy

Võ đại Lang

Võ Đại Lang Bánh Bao

Năm năm cứ đến Ngày gần Tết
Lại rộn bài Xuân, rộn báo Xuân..

Làng Báo Việt Nam ở Hoa Kỳ — đã ly quốc 40 mùa xuân – vẫn theo, vẫn giữ việc xuất bản một Số Báo Xuân khi Tết Nguyên Đán đến; vẫn theo đúng tục lệ Báo Xuân năm con Giáp nào thì báo có nhiều bài viết về con Giáp ấy; như năm 2013 là năm Tỵ – Rắn – báo Xuân Việt Năm Tỵ có những bài viết về Rắn; năm nay – 2014 – là năm Giáp Ngọ – Ngựa – báo Xuân Việt năm Ngọ có nhiều bài viết về Ngựa.

Thành phố Sài Gòn trước năm 1954 có nhiều xe thổ mộ, xe do ngựa kéo, những con ngựa gầy kéo xe thổ mộ trông thật thảm; nhiều con ngựa yếu quá ngã ngay trên đường, làm xe đổ, người trên xe bị thương. Sau năm 1956 xe thổ mộ không được dùng nữa trên toàn cõi Nam Việt Nam.

Phan Kim Liên

Phan Kim Liên

Ngựa sinh ra tiếng Đĩ Ngựa. Tiếng Đĩ Ngựa được dân Việt dùng để gọi những người đàn bà dâm đãng. Nhiều khi người ta chỉ nói “Em đó ngựa lắm” là đủ nghĩa.

Đến sống ở Kỳ Hoa Đất Trích từ năm 1994 đến năm nay – 2014 – là tròn 20 năm, tôi đã hai lần viết về Ngựa cho Báo Xuân Năm Ngựa. Năm nay – Năm Ngựa 2014, Năm Ngựa thứ ba tôi sống ở Kỳ Hoa,  tôi được gợi ý:

“Anh viết về một em nào nổi tiếng là Ngựa ở Sài Gòn.”

Tất nhiên là “ở Sài Gòn Xưa, Sài Gòn những năm 1960, 1970” – tôi được gợi ý viết về một trong những người đàn bà nổi tiếng là người dâm đãng ở Sài Gòn Xưa – như nhiều người tôi cũng biết vài người đàn bà nổi tiếng dâm đãng ở Sài Gòn Xưa, nhưng tôi không thể viết về họ. Đúng ra tôi chỉ nghe người ta nói về vài nữ nhân vật dâm nổi tiếng, nhưng nay với tuổi đời xế chiều, tôi thấy “chuyện nghe nói và chuyện thật” khác nhau xa. “Chuyện nghe thiên hạ nói” có chuyện chứa đến 9/10 là chuyện bịa đặt. Nên tôi chỉ kể sơ về hai người:

Năm 1954 có cô Yến Ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Tôi nghe những ông đàn anh tôi ở Hà Nội vào nói cô là ca-ve, vì cô sexy nên cô có biệt danh là Yến Ngựa. Cô Yến Ngựa độc thân, ngụ trong một căn phòng trên lầu dẫy nhà đường Tự Do bên kia đừờng trước Nhà Brodard. Năm 1960 Yến

Ngựa bị đâm nhiều nhát dao chết trên giường ngủ. Cô bị giết ban đêm. Tôi không nhớ sau đó công an Sài Gòn có tìm ra, có bắt được kẻ giết Yến Ngựa hay không. Tôi có gặp cô vài lần nhưng tôi không quen cô. Năm cô bị giết cô trạc 35 tuổi. Tôi chỉ nhìn vẻ mặt và hình thể cô khi cô xuất hiện trên vỉa hè đường Tự Do, trong tiệm Brodard cũng thấy cô quả thật là sexy.

Bà vợ ông Chủ Tiệm Giầy Nam Việt đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn ngoại tình, chủ mưu trong việc cùng với tình nhân giết ông chồng. Bà này bị bắt; tôi không nhớ bà bị tù bao nhiều năm, tôi chỉ nhớ bà chịu án tù trong Nhà Tù dành cho đàn bà ở Thủ Đức. Tại nhà tù này bà có thai với ông Đại Úy Quản Đốc Nhà Tù. Tôi không nhớ người tình của bà vợ dâm giết chồng bị án tù bao nhiêu năm.

Tôi nghĩ đến Nữ nhân vật Dzâm Tình Phan Kim Liên trong tiểu thuyết Kim Bình Mai. Tết Năm Ngựa mà viết về Phan Kim Liên là đúng sách vở, an toàn và hấp dẫn. Tên truyện Kim Bình Mai gồm tên ba nữ nhân vật trong truyện: Kim Liên, Bình Nhi và Xuân Mai. Thi sĩ Nguyễn Du của ta chắc có đọc Kim Bình Mai nên đặt tên truyện thơ của ông là Kim Vân Kiều: Kim Trọng, Thúy Vân  và Thúy Kiều.

Để viết về Đệ Nhất Nữ Dzâm Phan Kim Liên tôi lấy bộ Kim Bình Mai ra đọc lại. Tôi đã đoc Kim Bình Mai một lần năm 1970 ở Sài Gòn. Kim Bình Mai năm xưa ấy không hấp dẫn tôi. Đọc nó tôi thấy sốt ruột vì chuyện kể dài dòng, toàn chuyện Dzâm Tình Tầu mà tôi thấy là không đi đến đâu so với những tiểu thuyết Dzâm Tình Âu Mỹ. Năm 1970 khi đọc Kim Bình Mai lần đầu tuổi tôi chưa tròn Bốn Bó. Bốn mươi năm qua, nay đọc Kim Bình Mai trên xứ người, tôi thấy tác phẩm quá hay. Không những chỉ quá hay mà còn là Hay quá là Hay. Kim Bình Mai truyện Hay mà Thơ cũng Hay. Thơ Kim Bình Mai khác  Thơ Hồng Lâu Mộng. Đa số bài Thơ Hồng Lâu Mộng tả cảnh phong vân tuyết nguyệt, tả tình oán than, sầu não, Thơ Kim Bình Mai tả chuyện đời, lòng người.

Tôi trích vài đoạn tôi thấy Hay trong Kim Bình Mai.

Trích Kim Bình Mai.

Võ Tòng

Võ Tòng mang gông.

Bỗng nghe ngoài cổng có tiếng ồn ào, Tây Môn khánh gọi Đại An, bảo ra xem chuyện gì, Đại An đi ra cổng rồi trở vào thưa:

– Không có chuyện gì cả, chỉ có mấy người hát xẩm vừa đi vừa hát xin tiền, bọn trẻ con hàng phố bu theo reo hò, chọc phá.

Tây Môn Khánh bảo:

– Hôm nay trong nhà có tiệc, gọi họ vào hát cho vui.

Hoa Tử Hư tiếp lời:

– Phải đó, nên lắm.

Ứng Bá Tước nói:

– Đành vậy, nhưng chỉ sợ bọn này hát thì khó lòng nghe nổi.

Nhưng Tây Môn Khánh đã sai Đại An ra gọi người hát xẩm vào. Người này khăn áo chỉnh tề, chân đi hài đen, trông có vẻ một đạo sĩ hơn là một người hát dạo, mà mặt mũi lại sáng sủa dễ coi. Người này vào tới nơi thì cúi chào rồi đứng đợi. Tây Môn Khánh bảo:

– Sao không hát đi ?

Người này rút ra một ống sáo, thổi lên vài điệu rồi cất giọng hát:

“Than cho cảnh phồn hoa
Chỉ trong chớp mắt là tiêu ma
Đâu còn má đào mày liễu
Đâu còn áo cừu may khéo
Chỉ còn con oanh đang đứng gọi
Núi đã lở rồi ai đỡ được
Nghe nói  Người thiếu nữ đất Ngũ Lăng lúc trước
Bây giờ sống cảnh thê lương.”

Bài hát dứt, Hoa Tử Hư bảo:

– Hát bài khác đi.

Người nọ hát tiếp:

“Kìa ai đua chen trong chốn phong lưu
Cái chí bình sinh chỉ là tìm liễu hỏi hoa
Tiếng tì bà không còn nữa
Chim yến đã chết
Ấy cũng bởi lúc xưa tâm địa sài lang
Bây giờ thì lâu đài bỏ không, chim phượng đi rồi
Đáng thương thaỵ Lòng mê man giấc mộng xuân đầỵ”

Ứng Bá Tước khen:

–  Hát cũng hay đấy chứ.

Người kia lại hát tiếp:

“Có một người lòng như rắn độc, mặt mũi đẹp tươi
Gia sản quá nửa là của ngườị
Đáng giận thay Túi đã đầy
Ý xanh, tình đỏ nào ai haỵ”

Ứng Bá Tước nổi giận mắng:

– Tên kia, sao dám mắng xéo chúng tao ?

Nói xong vừa đứng dậy định xông lại đánh thì đã không thấy người hát dạo đâu. Mọi người hoảng sợ ngơ ngác mà nhìn.Tây Môn Khánh nói:

– Giữa thanh thiên bạch nhật mà yêu quái dám lộng hành hay sao ? Thật là kỳ lạ, có lẽ phải nhờ các vị tăng sĩ đạo sĩ trừ khử đi mới được.

Ứng Bá Tước run sợ nhất, định thần một lúc rồi mới nói:

– Lạ thật, rõ ràng là có người đang đứng hát ngay đây mà, rồi làm sao tự nhiên biến mất ? Lạ thật!

Hoa Tử Hư nói:

– Chưa chắc gì đã phải ma quỷ, có thể là bọn bàng môn tả đạo có thuật phân thân tàng hình đấy mà thôi. Để tôi nhân đây xin kể chuyện này cho các ca ca nghe, cũng kỳ quái lắm. Năm xưa tôi còn nhỏ, bác tôi nói là khối ngọc hổ trong cung vua tự nhiên biến mất. Đó là bảo vật truyền từ bao đời. Nó nặng tới hơn năm mươi cân, được để trên cái xà nhà chạm trổ của nội cung. Cung cấm canh phòng nghiêm ngặt lắm, ai lấy trộm được. Vậy mà sau một thời gian điều tra, tên trộm ngọc bị bắt rồi bị đem ra hành quyết, nhưng khi đao phủ vung đao leân chém thì tên trộm biến mất, chỉ còn thấy bộ quần áo của nó nằm đó. Thế có lạ không ? Cho nên theo tôi thì người vừa rồi cũng chỉ là bọn tà đạo đó mà thôi. Bây giờ thì chúng mình tiếp tục uống rượu đi.

Mọi người nghe Hoa Tử Hư nói thì cũng tạm yên lòng, cùng nhau ăn uống như cũ. Tuy nhiên đám gia nhân trong nhà Tây Môn Khánh thì cứ to nhỏ bàn luận không thôi.

Chỉ nội trong ngày hôm ấy, cả hàng phố rồi cả huyện Thanh Hà đều tràn ngập những lời đồn đại về yêu quái trong nhà Tây Môn Khánh. Có người lại bảo rằng đã trông thấy người hát dạo đó tiếp tục đi hát dạo ngoài phố.

Ngưng trích Kim Bình Mai.

“Người thiếu nữ đất Ngũ Lăng lúc trước
Bây giờ sống cảnh thê lương.”
Ngũ Lăng chàng trẻ ganh đua
Biết bao the thắm chuốc mua tiếng đàn.

Người thiếu nữ Ngũ Lăng trong bài hát sẩm Kim Bình Mai là nàng ca nữ “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách..” của Bạch Cư Dị.

Ứng Bá Tước là anh bạn chuyên nịnh bợ Tây Môn Khánh để ăn nhậu, vay tiền, súi và bầy mưu cho Tây Môn Khánh gian dâm, hại người chồng, chiếm người vợ. Tác giả Kim Bình Mai có thể viết ngay boong “Ứng Bá Tước là tên bạn nịnh,” nhưng kể truyện mà giới thiệu nhân vật như thế là kém nghệ thuật, người kể truyện có nghệ thuất diễn tả nhân vật bằng những việc làm, những lời nói của nhân vật.

Trích vài chuyện kể có duyên trong Kim Bình Mai:

Ứng Bá Tước kể chuyện khôi hài riễu Mụ chủ nhà kỹ nữ khinh thường gã:

“Ma ma à, tôi kể câu chuyện cười cho mà nghẹ Ngày trước có một người khách phong lưu thường tới lui say mê một cô gái ca kỹ. Một hôm ông khách này làm vẻ nghèo nàn mà tớị Bà mẹ nuôi cô ca kỹ  thấy người khách lần này quần áo lam lũ thì không thèm tiếp rước gì cả, để mặc người đó ngồi, một miếng trà cũng chẳng có.

Người khách nói:

“Ma ma à, tôi đói quá, có cơm cho tôi một bát đỡ lòng”.

Lão bà nói gọn:

“Thời buổi này cơm ở đâu mà sẵn vậỷ”

Người khách nói :

“Nếu không có cơm thì thôi, xin cho tôi thau nước rửa cái mặt.”

Lão bà nói:

“Tôi không có tiền trả tiền nước nên mấy hôm nay người ta không gánh nước.”

Người khách lấy ra mười lạng bạc sáng ngời, bảo đi mua giùm thau nước rửa mặt. Lão bà thấy bạc, hoảng quá, líu lưỡi nói:

“Dạ dạ, để tôi mời quan nhân rửa cơm rồi ăn mặt, chết chết, để quan nhân ăn mặt rồi rửa cơm”.

Mọi người cười ầm lên.

*

Ứng Bá Tước cười:

– Hai anh em chúng tôi nói gẫy cả lưỡi, quỳ gãy cả gối mới thỉnh được quan nhân tới đây, vậy mà giờ này không mời anh em chúng tôi được một tiếng hay sao? Quan nhân mà hôm nay không chịu đến thì mẹ con chị em nhà này tha hồ mà khóc sưng mắt. Thật là đồ bạc bẽo vô ơn.

Quế Thư lườm Ứng Bá Tước:

– Thôi đi ông, đừng nói cạnh khoé chúng tôi mà cũng đừng Tào Tháo kể ơn nữa, có rượu thịt thì ông cứ việc ăn uống đi, còn đòi hỏi gì nữa!

Ứng Bá Tước nói với Tây Môn Khánh:

– Đại ca thấy không ? Rõ ràng là hạng vô ơn, chưa khỏi vòng đã cong đuôi. Mới khóc lóc lạy van người ta đó  bây giờ lại trở mặt ngay được. Đại ca xích ra để tôi coi kỹ xem mặt mũi hạng người đó thế nàọ

Nói xong nhoài người nắm kéo Quế Thư. Quế Thư cười khanh khách:

– Khỉ không, đổ hết rượu ra áo  quan nhân bây giờ.

Bá Tước nói:

– Thì cứ xích gần đây, để ta kể một câu chuyện vui cho nàng nghe. Ngày xưa có một con cua kết nghĩa huynh đệ với một con gà. Hai con hẹn rằng con nào nhảy qua được cái lạch thì làm anh. Con gà vỗ cánh nhảy qua bờ lạch bên kia. Con cua định nhảy theo thì chợt có hai thiếu nữ tới lạch múc nước. Thiếu nữ thấy con cua thì bắt rồi lấy một sợi dây buộc lại, lát nữa đem về. Nhưng lúc múc nước xong thì hai thiếu nữ quên con cua, không đem theo. Con gà ở bờ bên kia mãi không thấy gì, bèn trở lại bờ bên này thì thấy cua  bị trói nằm đó. Gà hỏi duyên cớ, cua đáp…

Tới chỗ này, Bá Tước nhìn thẳng vào  mặt Quế Thư mà nói:

– …Tôi đang định nhảy sang thì bị hai con ngựa cái nó trói tôi..!”

Bá Tước chưa dứt lời thì Quế Thư vừa cười vừa chạy tới dùng quạt mà đánh. Tây Môn Khánh cũng không nín cười nổi. Mọi người vui vẻ ăn uống.

Ngưng trích.

Nửa đêm đất khách, trong tòa  nhà dành cho Người Già Low Income – viết rõ là sống bằng tiền bố thí SSI – khi đọc hai câu trong Kim Bình Mai:

Đẹp hơn chim phượng, xinh hơn yến.
Đỏ tự tương tư, xanh tựa thu!

Tôi thấy quá haỵ “Đỏ tự tương tư, xanh tựa thu.” Không biết nguyên văn chữ Hán ra sao, tiếng Việt mà như vậy là tuyệt. Tôi nghĩ: “Tay nào ở Hà Nội dịch truyện này tuyệt quá. Văn Việt  nhuyễn như lụa, mượt như nhung, trôi như suối chẩy, êm như mây bay, sáng như trăng thu, dịu như gió xuân.” Thán phục. Tôi nghĩ vậy vì quyển Kim Bình Mai tôi đọc đây do Nhà Văn Học Việt Cộng ấn hành. Đọc lý lịch tác phẩm tôi thấy:

“Nhà Xuất Bản Văn Học in lần thứ nhất theo bản của Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989.

(Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội in theo bản của Nhà Xuất Bản Chiêu Dương, 1969.)

Té ra truyện Kim Bình Mai tôi đọc năm nay, năm tôi tuổi đời Tám Bó, Kim Bình Mai tôi đang đọc và kể đây — đọc và thấy hay quá xá — là bản truyện của Nhà Xuất Bản Chiêu Dương in ở Sài Gòn năm 1969. Chủ Nhà Chiêu Dương là Nhất Giang, hiện nay là chủ nhiệm nhật báo Chuông Sài Gòn ở Sydney, Úc. Năm 1969 Kim Bình Mai được Chiêu Dương xuất bản 3 tập. Năm 1970 tôi đã đọc Kim Bình Mai. Nay tôi đọc bản truyện cũ mà tôi không biết.

Nhất Giang Chiêu Dương, Sài Gòn xuất bản đến 8/10 tiểu thuyết của người anh em cùng vợ với tôi là Hoàng Hải Thủy.

Cảm khái cách gì.

Đây là đoạn truyện Tây Môn Khánh thông dâm với Phan Kim Liên.

Sơ lược: Kim Liên nguyên là người hầu trong một nhà giầu. Vì Kim Liên không chịu làm thiếp – cho ông chủ hưởng thân xác — nên bị chủ ghét, đem gả cho Võ Đại, anh bán bánh bao vừa lùn vừa hèn yếu. Tây Môn Khánh tình cờ nhìn thấy Kim Liên, lòng dâm nổi lên, gã nhờ Mụ Vương, người ở cạnh nhà Võ Đại, dàn xếp cho gã được hưởng thân xác Kim Liên.

Kim Bình Mai. Trích:

Vương Bà nói:

“Kế của tôi thần tình lắm. Đại quan nhân đã nhờ tôi thì tôi nói thật. Cô nàng ngài muốn gần tuy xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng trăm phần lanh lợi, đàn hát giỏi, nữ công thêu thùa cũng khá, lại biết đọc sách, ngâm thơ, đánh cờ, uống rượu, cái gì cũng hay. Cô ta tên là Kim Liên, con nhà họ Phan, trước cư ngụ ở Nam Môn. Khi nhỏ vì nhà nghèo nên bị bán cho Trương Đại Hộ. Tại nhà họ Trương, cô được dậy đàn ca, thêu may. Khi Đại Hộ sắp chết gả cô cho anh chàng Võ Đại. Từ đó cô ta buồn khổ vì phải làm vợ người chồng không ra gì. Cô thường than thở với tôi. Bên nhà cô có chuyện gì cũng thường mời tôi sang giúp. Cô ta nhận tôi là mẹ nuôi. Hàng ngày, Võ Đại  gánh hàng đi bán từ sớm. Nếu Đại quan nhân chịu theo kế của tôi thì trước hết hãy lấy một xấp lụa xanh, một xấp lụa trắng đem tới cho tôi, tôi sẽ đưa qua nhờ cô ấy may áo dùm. Nếu cố từ chối không may thì kế coi như bỏ. Nếu cô ta vui vẻ nhận may dùm thì kế đã thành được một phần. Rồi tôi sẽ mời cô ấy sang đây ngồi may áo cho tôi, nếu cô ấy không chịu, kế phải bỏ, nếu cô ấy chịu sang, kế thành được hai phần. Tôi sẽ bầy một tiệc nhỏ mời cô ta, nếu cô ta không chịu sang ăn uống, kế phải bỏ, nếu cô ta chịu, kế thành được ba phần. Lần tôi mời cô ta uống rượu thứ nhất, ngài đừng đến. Chừng vài ngày sau tôi lại dọn một tiệc nhỏ mời cô ấy. Tôi sẽ báo ngài biết. Ngài sẽ đến đây vào lúc tiệc rượu đã bầy ra. Tôi mở cửa đón ngài vào. Nếu thấy khách đàn ông, cô ấy bỏ về, ấy là kế phải bỏ. Nếu cô ấy cứ ngồi lại, kế thành được bốn phần. Khi đó tôi sẽ nói ngài là người  thường làm ơn cho tôi, ngài cho tôi lụa để may quần áo. Nhân có tiệc rượu, tôi mời ngài nhập tiệc. Nếu ngài vào tiệc mà cô ấy đứng lên ra về, ta đành chịu. Còn cô ấy cứ ngồi lại, ấy là kế ta thi hành được năm phần. Ngài sẽ hỏi chuyện cô ta, nếu cô ta không chịu tiếp chuyện thì thôi, nếu cô ta chịu trả lời ngài, ấy là kế hoạch ta thì hành được sáu phần. Đến đó ngài sẽ nói ngài đã nhìn thấy cô ta, ngài thấy cô đẹp, ngài muốn kết tình thân với cô. Nếu cô nghe mà bỏ về, kế hoạch ta thất bại. Nếu cô ta nghe chuyện ngài tỏ ý ái mộ mà cứ ngồi lại, ấy là kế hoạch ta thành được bẩy phần. Rồi ngài nói ngài muốn nhờ cô ta may y phục cho ngài, cô ta không nhận thì thôi, cô ta nhận, kế ta thành được tám phần. Ngài sẽ hẹn ngày ngày trở lại nhà tôi để gặp cô ấy nhờ may y phục. Cô ta không chịu sang gặp lại ngài thì thôi, coi như kế hỏng. Nếu ngài hẹn ngày gặp lại mà cô ta không nói gì. Ấy là kế ta thành được chín phần. Rồi tôi nói  nhà hết rượu, tôi phải đi mua rượu, nếu cô ta bỏ về, kế hoạch ta thất bại, còn nếu cô ta cứ ngồi lại với ngài, kế hoạch ta thành được mười phần. Trước khi đi tôi sẽ khoá trái cửa lại, nếu cô ta phản đối, bỏ về bằng cửa sau, ấy là kế hoạch ta thất bại. Bây giờ đến việc khó làm nhất. Còn một mình ngài với cô ta trong nhà, ngài làm sao chiếm được thân xác cô ta, được hay không la do tài của ngài. Ngài phải rất cẩn thận. Tôi đề nghị như vầy: ngài dùng lời huê mỹ tỏ tình làm nàng xiêu lòng, rồi mới dùng đến ôm ấp. Ngài làm rơi đôi đũa xuống dưới chân cô ta, ngài quì xuống nhặt đũa rồi sờ nhẹ cổ chân cô ta. Nếu cô ta rụt chân lại, đứng lên bỏ về. Ấy là kế hoạch ta tiêu ma. Còn nếu cô ta chịu để ngài vuốt ve, ôm ấp, ấy là kế hoạch ta thành công.

( .. .. .. )

Tây Môn Khánh cố tình làm rơi đôi đũa xuống sàn nhà. Đôi đũa rơi nằm ngay bên chân Kim Liên. Khi thấy Tây Môn Khánh ngơ ngác tìm đũa, Kim Liên cười nói:

“Đũa của ngài rơi đây nàỵ”

Nàng chỉ tay xuống chân nàng.  Tây Môn khánh đi sang, ngồi sụp xuống, nhưng y không nhặt đũa mà lại nắm cổ chân Kim Liên, sờ vuốt  bắp chân nàng. Kim Liên đờ đẫn cả người. Nàng để cho Tây Môn Khánh dìu nàng vào giường.

(.. .. )

Từ đó ngày nào Kim Liên cũng gặp Tây Môn Khánh ở nhà Vương Bà. Hai người ân ái mặn nồng, keo sơn gắn bó. Nhưng như lời thường vẫn nói: “Việc tốt nó ở trong nhà. Việc xấu theo gió bay ra ngoài đường.” Chuyện Kim Liên ngoại tình với Tây Môn Khánh nhiều người biết, riêng có Võ Đại, chồng của Kim Liên, là chưa biết.

Ở huyện Thanh Hà có chú thiếu niên 16 tuổi, làm nghề đẩy xe nên được gọi là Vận Ca. Chú này đến những tửu điếm chờ khách sai vặt, kiếm tiền nuôi cha gìa. Tây Môn Khánh thường cho tiền chú. Từ ngày có Kim Liên, Tây Môn Khánh không ra tiệm trà, tiệm rượu nữa. Lâu không có tiền Tây Môn Khánh chọ Vận Ca lựa mua một giỏ trái cây mang đến biếu Tây Môn Khánh. Vận Ca đã làm mánh này nhiều lần. Lần nào cũng được Tây Môn Khánh cho tiền nhiều gấp ba, gấp bốn số tiền Vận Ca mua trái cây. Hôm ấy Vận Ca mang giỏ trái cây đến tiệm buôn của Tây Môn Khánh, nhưng ông chủ không có ở đó. Người trong tiệm không nói cho Vận Ca biết ông chủ đi đâu. Vận Ca ôm giỏ trái cây đứng lơ ngơ ở đầu đường thì có người đi qua mách:

“Mày muốn tìm Tây Môn Khánh thì đến nhà Vương Bà. Mấy tháng nay lão ta đến đó hú hí với vợ Võ Đại, mày không biết à?”

Vận Ca dến nhà Vương Bà đòi gập Tây Môn Khánh. Vương Bà nói Tây Môn Khánh không có trong nhà mụ. Mụ và Vận Ca chửi nhau rồi xô xát. Vận Ca đi tìm Võ Đại, kể chuyện.

Vận Ca:

“Hồi này ca ca chắc ăn nhiều nên mập ra. Ca ca chỉ biết ăn thôi nên hóa ra ngu: vợ ca ca đi nằm với người khác mà ca ca đâu có biết.”

Võ Đại nổi nóng:

“Thằng ôn kia. Vợ tao đâu có ngoại tình mà mày dám nói!”

Vận Ca cười khẩy:

“Phải, bà chị đâu có ngoại tình; bà chị chỉ đi nằm với thằng đàn ông khác thôi.”

Do lời chỉ của Vận Ca, Võ Đại xông vào nhà Mụ Vương bắt gian phu, dâm phụ. Tây Môn Khánh tông cửa phòng nhẩy ra, phóng một đá vào ngực Võ Đại rồi bỏ chạy. Võ Đại bị đá, hộc máu, nằm chết ngất. Kim Liên và Mụ Vương khiêng Võ Đại về nhà. Sợ Võ Tòng, em Võ Đại, làm Đô đầu trong huyện, đi việc quan về, Võ Đại sẽ kể chuyện, Võ Tòng sẽ hỏi tội, bộ ba Mụ Vương, Kim Liên, Tây Môn Khánh dùng thuốc độc cho Võ Đại uống. Võ Đại chết thảm.

Ngưng trích Kim Bình Mai.

Chuyện Võ Đai bị chết thảm cho người đọc Kim Bình Mai là tôi – CTHĐ – thấy ở đời – đời nào cũng vậy – đàn ông nghèo hèn mà có vợ đẹp là một đại họa. Trong Kim Bình Mai còn hai, ba vụ đàn ông có vợ đẹp bị chết thê thảm. Thủ phạm là gã đa dzâm Tây Môn Khánh.

Đây là đoạn Võ Tòng khi trở về huyện, được biết Võ Đại chết.

Kim Bình Mai. Trích:

Võ Tòng trầm ngâm giây lát rồi cáo từ Vương bà, trở về huyện, sai lính huyện đi mua cho mình một bộ tang phục cùng các thứ hoa quả nhang đèn. Sau đó mặc đồ tang, đem lễ vật trở lại nhà của Võ Đại, bày bàn thờ, lập bài vị, đốt đèn thắp nhang rót rượu cúng. Lại sai lính làm cơm cúng Võ Đại. Cúng xong, Võ Tòng cùng đám lính ngồi ăn. Đêm đó Võ Tòng ở lại nhà Võ Đại, cho đám lính ngủ ở phòng ngoài,  còn mình thì nằm ngủ trước bàn thờ anh.

Tới quá nửa đêm Võ Tòng vẫn trằn trọc không ngủ được, bèn ngồi dậy trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn trên bàn thờ nhìn lên bài vị của anh mà nghĩ thầm:

“Anh mình lúc sống thì yếu đuối nhút nhát, lúc chết lại không được rõ ràng thật là…”

Còn đang nghĩ ngợi thì bỗng nhiên một cơn gió lạnh thổi vào, ngọn đèn trên bàn thờ chập chờn rồi tắt ngấm, Võ Tòng tự nhiên nổi gai ốc, tóc gáy dựng lên, nhưng trấn tĩnh mà nhìn thì thấy lờ mờ một bóng người từ sau bàn thờ bước ra nói:

– Em ơi, anh chết khổ chết nhục lắm.

Võ Tòng định cất tiếng hỏi thì hơi lạnh tan hết mà bóng người cũng chẳng thấy đâu nữa.

Bên ngoài, tiếng trống huyện báo hiệu canh ba, ba khắc. Võ Tòng kinh sợ nghĩ:

“Vừa rồi nhất định không phải là mộng, anh ta tới than với ta, đúng là anh chết oan chết uổng gì đây.”

Võ Tòng cứ ngồi nghĩ ngợi mà trống điểm canh năm cũng không hay biết.

Ngưng trích.

Tác giả Kim Bình Mai lấy đoạn truyện “Võ Tòng sát tẩu” trong Thủy Hử mà phát triển thành một truyện dài. Trong Thủy Hử, Võ Tòng trở về, gíết chết ngay Tây Môn Khánh, Mụ Vương và Kim Liên. Trong Kim Bình Mai, Võ Tòng đánh chết một tên gia nhân của Tây Môn Khánh nên phải đi tù; Tây Môn Khánh cưới Phan Kim Liên về làm vợ thứ năm. Nhiều năm sau Tây Môn Khánh chết vì suy nhược, Kim Liên thông dân với Kính Tế, con rể của Tây Môn Khánh nên bị Nguyệt Nương, vợ cả của Tây Môn Khánh, đuổi ra khỏi nhà. Kim Liên về sống với Mụ Vương. Võ Tòng trở về, giết nàng.

o O o

Truyện Kim Bình Mai được đăng trọn bộ trên Trang Web “Việt Nam Thư Quán”, tên Người Dịch là “Phan Văn Các.” Tôi vinh danh ông Phan Văn Các là Người Dịch TruyệnTầu Tuyệt Diệu ngang với Tử Vi Lang, người dịch Tam Quốc Chí.

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.