Biên khảo ” Hiện tượng tái sinh tại Phương Tây “- Hoàng thị Quỳnh Hoa

HIỆN TƯỢNG LUÂN HỒI TÁI SINH Ở PHƯƠNG TÂY

hoàng thị quỳnh hoa

Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa

biên soạn

VÀI HÀNG VỀ TÁC GIẢ :

Nguyên Ngọc Hoàng thi Quỳnh Hoa(cháu của Bà Hoàng thi Kim Cúc,người tình Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử)

Sinh và lớn lên tại Huế

Đại học Sư Phạm Anh Văn năm 1961

Cao học Anh Văn Hoa Kỳ 1965

Cựu Giáo Sư Gia Long Saigon

-Dịch và xuất bản :

*Tái sinh ở Phương Tây

*Biệt nghiệp-Cọng nghiệp

Hiện định cư yaji Maryland Hoa Kyf

 

Những người theo đạo Phật thì chấp nhận luân hồi là một định luật tự nhiên. Đức Phật dạy “Hữu sinh hữu tử hữu luân hồi. Vô sinh vô tử vô khứ lai”, nghĩa là có sinh thì có chết, nhưng không phải chết là hết mà sẽ còn tái sinh trở lại nhiều lần. Còn không sinh thì dĩ nhiên không có vấn đề bị chết và bị sinh ra đời trở lại, rõ ràng như vậy. Nhưng những ai không biết đến Phật Pháp, như những người Tây phương, và ngay cả nhiều người Đông phương nữa, thì cho rằng tin luân hồi là mê tín dị đoan. Làm sao chứng minh được một người thực sự đã từng sống nhiều đời nhiều kiếp trên quả đất này? Nhưng ngày nay, chiều hướng suy tư của nhân loại đã thay đổi. Từ  nhiều thập niên của cuối thế kỷ 20, nhiều khoa học gia đã say mê tìm hiểu thuyết luân hồi, nhân quả, nghiệp báo vì họ đã được chứng kiến nhiều hiện tượng lạ mà trí thông minh cùng với năm giác quan bình thường của con người không thể hiểu được, không thể giải thích được như hiện tượng thần đồng, nhạc sĩ Mozart mới 5 tuổi đã biết soạn nhạc, thiên tài Beethoven, văn hào Voltaire , … hiện tượng nhớ lại kiếp trước, người chết hồi sinh kể lại về thế giới bên kia cửa tử, và nhiều hiện tượng lạ lùng khác nữa mà khoa học không giải thích được.

many masters

Khi vào một thư viện địa phương tìm tài liệu cho đề tài luân hồi và tái sinh, tôi thật ngạc nhiên tìm thấy hơn 100 cuốn sách bằng tiếng Anh về đề tài trên.  Hơn 30 năm về trước tôi được đọc về cuộc đời của ông Edgar Cayce, một tiên tri người Mỹ cận đại, thường được gọi là Nhà Tiên Tri Ngủ  (The Sleeping Prophet), vì chỉ khi thiếp đi thì ông mới thấy được những chuyện quá khứ, vị lai.  Ông còn thấy được tiền kiếp của bệnh nhân đến xin chữa bệnh.  Ông có cái tài đặt biệt là khi thiếp đi, ông có thể chẩn bệnh rất chính xác cho nhiều bệnh nhân và cho toa thuốc chữa trị rất hay.  Nhưng khi tỉnh dậy thì ông không nhớ gì hết.  Ông chỉ học hết lớp 8 và không biết gì về y khoa.  Ông mất năm 1945 và trước khi mất ông nói với con cháu và bạn bè là ông sẽ tái sinh lại vào năm 2010.  Là một người theo đạo Tin Lành, ông Cayce rất hoang mang khi ông gặp trường hợp tái sinh của nhiều bệnh nhân nhưng về sau ông tìm được tài liệu nói rõ trong kinh thánh có đề cập đến vấn đề tái sinh như trường hợp ông John the Baptist là hiện thân của Elias (Mathew 17:12-13).  Nhiều ông cha cố đời trước cũng tin và từng giảng dạy về tái sinh như cha Origin, Justin Martyr, St. Jerome v.v… Đến thế kỷ IV, một hoàng đế La Mã, Đại đế Constantine, bắt phải xóa bỏ phần nghiệp báo luân hồi (Karma and Reincarnation) trong Kinh Thánh vì ông muốn cho các nhà lãnh đạo tinh thần có quyền hạn tối đa để dễ bề điều khiển con chiên theo mưu đồ mở rộng đế quốc của ông.  Một bác sĩ tâm thần, ông Brian L. Weiss, nói rất rõ trong cuốn “Many Lives, Many Masters” là năm 325, Đại đế Constantine và mẹ ông là bà Thái hậu Helena ra lệnh phải vất bỏ phần luân hồi khỏi Tân Ước.  Phần đông những tín hữu Kytô không biết đến sự kiện này nên cho rằng tin có luân hồi là chuyện huyền bí, hoang đường.  Ông Edgar Cayce đã soi kiếp cho hàng ngàn người và có nhiều trường hợp được kiểm chứng khi đương sự đến tra cứu sổ bộ đời ở các cơ quan hành chánh địa phương.  Ví dụ một người đàn bà đến nhờ ông soi căn.  Ông bảo rằng trước kia bà là một nam thương nhân bị chết chìm theo chiếc tàu Titanic.  Ông nói rõ tên họ của người đó nên bà này đến tìm xem danh sách của những người tử nạn, và bà rùng mình khi thấy tên của thương nhân ấy trong sổ.  Hiện nay những tài liệu soi căn này mà ông Cayce gọi là Life Reading được cất giữ ở Thư Viện Edgar Cayce ở Virginia Beach.

Edgar Cayce

Ngày nay các bác sĩ tâm lý trị liệu thường hay dùng phương pháp thôi miên (Hypnotherapy) đưa bệnh nhân đi ngược về quá khứ để tìm nguyên do cho những chứng bệnh tâm thần. Khi bệnh nhân đi ngược về những tiền kiếp xa xưa thì lúc đầu các bác sĩ không tin nhưng dần dần họ có cơ hội chiêm nghiệm, kiểm chứng và nhất là thấy bệnh nhân lành bệnh thì họ nghiên cứu thêm về luân hối.  Điển hình là trường hợp bác sĩ Brian L. Weiss.  Sau 18 tháng chữa trị cho một bệnh nhân theo phương pháp thông thường mà không có hiệu quả, ông quyết định dùng thôi miên. Ông cũng chỉ muốn đưa cô Catherine đi ngược dòng thời gian sống lại thời ấu thơ để xem chuyện gì xảy ra mà ảnh hưởng đến tâm thần của cô cho đến bây giờ nhưng ông giật mình khi cô này đi ngược về những tiền kiếp xa xưa và tả đời sống của cô ở những nơi xa xôi như Mông cổ, Ai Cập, Do Thái, khi thì là người nam, khi thì người nữ; có kiếp thì được sinh vào gia đình quí phái sang trọng nhưng cũng có kiếp bị làm nô lệ, v.v… Cô nói là cô đã tái sinh làm người tất cả là 86 lần.  Cô đã gặp bao nhiêu chuyện oan khiên ở 12 tiền kiếp và những oan trái này vẫn còn gây áp lực làm cho tâm thần cô xao động trong kiếp này.  Bác sĩ Weiss lúc đầu cũng nửa tin nửa ngờ nhưng thấy bệnh tâm thần của cô bớt dần thì ông cũng tiếp tục dùng thôi miên để chữa trị.  Một hôm khi cô Catherine nói có gặp cha của ông và tả đời sống trong gia đình ông trước khi người cha qua đời thì ông lấy làm kinh dị.  Cô còn biết trường hợp người con trai đầu lòng của ông chết như thế nào, v.v… thì ông không còn nghi ngờ gì nữa, nhất là khi ông hỏi những câu mà cô Catherine không thể trả lời được thì cô bảo cô sẽ đi mời những vị Thầy (Old Masters) đến giải đáp.  Và khi những vị này lên tiếng thì nghe không phải là giọng của cô Catherine nữa.  Cũng từ ngày ấy  ông và vợ ông thay đổi quan niệm sống.  Họ không còn tha thiết lo tích trữ của cải nữa mà chú trọng nhiều đến đời sống tâm linh.  Có thể bác sĩ Weiss không biết gì về đạo Phật nhưng ông và vợ đã quyết định sống theo lời Phật dạy sau khi thấy có nhân quả luân hồi nghĩa là làm lành, lánh dữ, buông bỏ lòng tham lam sân hận, và cố gắng thương yêu tất cả mọi người.  Lúc đầu ông không dám thổ lộ những điều ông biết được ở bên kia cửa tử do cô Catherine thuật lại vì sợ các bạn đồng nghiệp chê ông hồ đồ, mê tín nhưng sau bốn năm đắn đo, ông đã quyết định đưa vấn đề kiếp trước kiếp sau ra ánh sáng vì ông thấy đây là một dữ kiện quá quan trọng.  Nó đã thay đổi cả cuộc đời của của cô Catherine, của ông và vợ ông và ông tin tưởng nó có thể ảnh hưởng đến tương lai của những người sống trên quả địa cầu.  Cuốn sách đầu tay của ông là cuốn “Many Lives, Many Masters” kể lại những buổi nói chuyện của ông và bệnh nhân Catherine ở phòng mạch trong khi cô này bị thôi miên.  Ông cũng là tác giả của cuốn “Only Love is Real: A Story of Soulmates Reunited” kể lại một câu chuyện hy hữu của hai bệnh nhân của ông, một nam một nữ, ở hai chân trời khác nhau mà cuối cùng gặp nhau vì họ đã có liên hệ với nhau từ nhiều đời nhiều kiếp.  Bác sĩ Weiss hiện đang hành nghề ở Florida.  Ông có mở những lớp huấn luyện cho học viên tự thôi miên để có thể đi tìm hiểu những kiếp trước của mình.

Theo thống kê của viện Gallup năm 1994 thì có 27%  người Hoa Kỳ tin có luân hồi so với con số 21% năm 1990.  Ngày nay chắc số người tin có luân hồi còn tăng lên nhiều.  Cũng theo viện Gallup thì có đến 68%  dân số  Hoa Kỳ tin có một đời sống bên kia cửa tử vì có quá nhiều người chết sống lại kể chuyện về thế giới bên kia.  Không những họ thấy được thế giới bên kia mà nhiều người còn tin là người sống có thể liên lạc được với bà con thân thích ở thế giới bên kia nữa như trường hợp cậu Jo, con bác sĩ Otto Kunz ở Thụy Sĩ chết đuối ở Geneve năm 1952, hay câu chuyện bác sĩ  Henri Desrives sau khi chết đã tìm cách liên lạc với mấy người con trai của ông (chuyện thật được Nguyên Phong kể lại trong cuốn Trở Về Từ Cõi Sáng).

Sau đây là một trong nhiều câu chuyện tái sinh ghi trong cuốn In Search of the Dead – A Scientific Investigation of Evidence for Life After Death của ông Jeffrey Iverson.

Câu chuyện tái sinh của Shanti Devi

Lược dịch từ  The Classic Case of Shanti Devi

tai sinh1

Bé Shanti Devi sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở New Delhi, Ấn Độ.  Khi lên ba, cô bắt đầu nói đến cuộc sống của cô ở kiếp trước.  Cô thường thỏ thẻ với mẹ là hồi trước khi còn sinh sống ở Mathura, một thành phố nhỏ cách Delhi 300 dặm, cô không được ăn những món ăn sang trọng như thế này, cũng không được mặc quần áo đẹp như bây giờ.  Lúc đầu cha mẹ cô nghĩ là chuyện trẻ con nên cũng không để ý lắm.  Nhưng khi lên bốn tuổi, cô nói rõ ràng rằng nhà thật của cô là ở thành phố Mathura, nơi mà chồng cô đang sống với đứa con trai.  Thoạt tiên cha mẹ cô cũng buồn cười nhưng sau nghe mãi thì họ cũng hơi lo, hay là cô bé bị loạn thần kinh chăng. Nhưng ngoài câu chuyện chồng con kỳ cục này cô không có một triệu chứng điên khùng gì.  Ông bà hy vọng rằng theo thời gian, con gái của họ sẽ quên những chuyện vớ vẩn ấy.  Nhưng, không những cô bé không quên mà còn nói với hàng xóm là cô rất muốn đi thăm thành phố Mathura. Một người bà con là giáo sư ở một trường trung học nghe chuyện lạ đến thăm.  Lúc ấy Shanti được 8 tuổi.  Cô nói với ông này là chồng cô tên Pandit Kedernath Chowbay và hiện đang sinh sống ở Mathura với đứa con trai.  Cha cô nói không ai nghĩ đến việc đi đến thành phố này để tìm kiếm ông chồng kiếp trước của cô vì không ai tin chuyện này cả.  Họ chỉ la rầy cô không được nói bậy và vẫn hy vọng cô sẽ quên.  Người bà con trở lại thăm, và lần này dắt theo ông hiệu trưởng là ông Lala Krishan Chand.  Ông Chand rất nôn nóng muốn nói chuyện với bé Shanti về tiền kiếp của cô. S hanti tả ngôi nhà cũ rất tỉ mỹ.  Cô còn nhớ cả địa chỉ nhà nữa.  Ông Chand vội vàng viết một bức thư gửi về địa chỉ cô bé cho mà không trông mong được hồi âm.  Thật ngạc nhiên biết bao, khi mấy hôm sau, ông nhận được thư trả lời của Pandit Kedernath Chowbay, người chồng của bé Shanti kiếp trước, xác nhận rằng căn nhà mà Shanti tả đúng là căn nhà của anh và người vợ trẻ đã chết sau khi sinh đứa con đầu lòng được 10 ngày.  Anh Chowbay, sau đó, nhờ một người bà con ở New Delhi đến nhà bé Shanti xem thực hư thế nào. Khi Pandit Kaijimall đến, bé Shanti nhận dạng được anh là bà con của chồng cũ của cô.  Cô mừng rỡ hỏi thăm về đứa con trai và nhắc đến một sạp vải gần nhà ở trước đền Dwarikadesh mà cô thường vua vải.  Anh này hỏi han nhiều câu về gia đình mà câu nào cô cũng trả lời rành mạch, chính xác nên anh tin chắc cô chính là người vợ tái sinh của người bà con mình.  Thay vì viết thư, anh đích thân về Mathura báo cáo cho Chowbay biết người vợ đã chết tên Lugdi Devi nay là cô bé Shanti Devi đang sinh sống ở New Delhi.

Tháng 11 năm 1935, người chồng quyết định đi New Delhi, dắt theo con trai của người vợ đã chết nay được 10 tuổi và cả người vợ mới nữa.  Ông rất hồi hộp, bồn chồn khi bước vào nhà cô bé.  Người bà con đã đến thăm trước đây cũng có mặt nhưng lúc ấy bé Shnanti đang ở trường.  Bốn người ngồi ở phòng khách chờ người nhà đi rước cô bé về.  Khi Shanti về tới, Kaijimall cố tình giới thiệu Pandit Chowbay là ông anh cả để xem phản ứng của cô.  Lạ lùng thay cô bé cúi đầu bẽn lẽn chào người đàn ông rồi nói: “Người này là chồng tôi không phải là anh chồng!”  Khi nhìn đến cậu con trai, cô ôm  cậu bé và khóc ngất rồi vội vàng chạy vào phòng lấy hết đồ chơi của mình ra trao cho con và âu yếm nhìn cậu như một bà mẹ trẻ nhìn con mình với ánh mắt thương yêu trìu mến, rồi những giọt nước mắt hạnh phúc được gặp con đang lặng lẽ chảy tràn xuống má làm mọi người chung quanh cũng khóc theo. Chowbay muốn thử Shanti một lần nữa nên xin được nói chuyện một mình với cô.  Anh hỏi những chuyện phòng the mà ngoài hai vợ chồng ra thì không ai biết được.  Sau đó anh khẳng định với mọi người rằng Bé Shanti chính là người vợ mà anh đã chôn cất cách đây 10 năm.  Chuyện lạ này lan tràn ra rất nhanh vì báo chí ở Delhi đăng tải.  Chính đức Mahatma Gandhi cũng tự mình đến thăm và an ủi Shanti. Một Ủy Ban Điều Tra (Inquiry Committee) được thành lập để thẩm định tính xác thực của câu chuyện tái sinh này. 15 công dân nghiêm túc của thành phố New Delhi được chọn gồm đủ mọi thành phần, gồm có một ông dân biểu, một ông chủ biên  một tờ báo lớn, một thương gia giàu có và một luật sư danh tiếng.  Ủy ban đến nhà xin cha mẹ Shanti cho em đi theo cùng về thành phố Mathura với họ để xem em có nhận biết được những nơi mà em vẫn nói tới.  Lúc đầu cha mẹ cô không muốn cho đi vì họ sợ em bé không chịu trở về New Delhi sau khi chứng kiến cảnh cô gặp lại con và chồng kiếp trước.  Nhưng rồi ông bà cũng bằng lòng cùng đi với con gái và phái đoàn. Ở trên xe lửa, cô bé hớn hở nói bằng thổ ngữ Mathura rằng bây giờ đã 11 giờ chắc Đền Dwarikadesh đã đóng cửa rồi.  Chuyến thăm viếng này được các báo nêu lên ở trang đầu nên có cả hàng ngàn người đến nhà ga chờ xem mặt cô. Khi thấy đám đông ở sân ga, Shanti sợ quá ép mình vào lòng ông dân biểu Desbandu.  Nhưng khi một người đàn ông bước lên tàu và đi đến trước mặt cô thì cô vội vàng nói ông dân biểu để cô xuống đất và cúi xuống cung kính ôm chân ông này (chắc là phong tục Ấn giống như người ta ôm chân Phật vì kính trọng) rồi tránh ra một bên và nói nhỏ với ông dân biểu trước sự kinh ngạc của mọi người: ”Đây là anh chồng tôi.”  Ông dân biểu bế cô đặt lên một chiếc xe ngựa và biểu cô chỉ đường cho ông đánh xe đến nhà chồng cũ của cô.  Khi gần đến, cô nhảy xuống xe và le te đi về hướng ngôi nhà.  Cô dừng lại trước mặt một ông Bà La Môn lớn tuổi đứng trước cửa nhà cung kính chào và nói: “Ông  là cha chồng của tôi.”  Bà con lối xóm đến xem rất đông và khi thấy cảnh cô trân trọng chào người cha chồng cũ,  mọi người đều chắp tay cầu nguyện.  Cô nhận diện được hết những người trong nhà, em trai chồng, ông bác chồng … Đến trưa một vị trong phái đoàn công kênh cô lên vai và yêu cầu cô dẫn họ đến ngôi nhà cũ nơi mà cô và chồng cô đã chung sống.  Khi đến căn nhà nhỏ của hai người, ai cũng muốn tìm xem có cái giếng nước mà cô thường nói đã múc nước để tắm thì không thấy giếng đâu.  Cô cũng lấy làm lạ nhưng khi đi đến một góc vườn, cô chỉ một phiến đá lớn và nói: “Cái giếng ở đây”.  Người ta đẩy phiến đá ra và quả nhiên cái giếng còn ở đó.  Khi bước vào phòng ngủ, cô nhìn quanh và mắt dừng lại ở một viên gạch và nói: “Tôi cất hộp tiền ở đây.”  Khi dở viên gạch lên thì không thấy gì.  Cô lẩm bẩm: “Rõ ràng tôi để hộp tiền ở đây mà!”  Lúc bấy giờ người chồng cũ mới lên tiếng: “Sau khi vợ tôi chết ở nhà thương, tôi đã lấy hộp tiền đó rồi.”

Rời căn nhà này cô hướng dẫn mọi người về hướng con sông Jumma mà cô thường đến tắm và giặt giũ, rồi bất thần cô dừng lại và nhìn sững một căn nhà bên đường nói đó là nhà cha mẹ cô rồi chạy vội vào nhà.  Trong nhà có chừng hơn 40 người, đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn bé đủ mặt.  Cô nhìn quanh rồi sà ngay vào lòng một người đàn bà rồi gọi mẹ.  Bà ôm cô khóc tức tưởi.  Cô cũng nhận được cha cô và ông cũng khóc, những giọt nước mắt buồn vui lẫn lộn.  Mấy người trong phái đoàn đều sa nước mắt trước quang cảnh đoàn tụ này.  Họ kháo nhau là thật sự thì tốt hơn là ta không nên biết tiền kiếp của mình.  Thiên hạ kéo đến xem càng đông.  Họ chen lấn đạp lên nhau để được nhìn mặt cô bé đã nhớ tiền kiếp của mình làm phái đoàn hoảng sợ.  Họ vội vàng bế cô bỏ lên xe ra nhà ga ngay.  Trên chuyến trở về, bé Shanti có vẻ buồn rầu mỏi mệt không nói năng gì và thiếp đi trong mốt giấc ngủ dài.

Sau chuyến thăm viếng này, Ủy Ban Điều Tra hội họp và công nhận bé Shanti chính là Lugdi tái sinh.  Tuy nhiên họ cũng lên tiếng mời những ai không tin luân hồi như nhóm theo Tin Lành hay những người đạo Muslim cứ tự nhiên đến thăm hỏi, điều tra thêm nhưng không thấy ai bày tỏ có ý kiến gì.

Vì nhớ lại kiếp trước mình đã làm vợ và có con nên cô Shanti Devi quyết định không lập gia đình trong kiếp này nữa.  Cô theo nghề dạy học và sống một cuộc đời đạo hạnh.  Cô vẫn liên lạc thường xuyên với hai gia đình kiếp trước.  Họ cũng mời cô tham dự những buổi họp mặt gia đình trong những dịp quan hôn tang tế.

tai sinh

Năm 1988, Tiến sĩ Ian Stevenson ở Đại học Virginia sang Ấn Độ mong được nói chuyện với cô Shanti nhưng tiếc thay khi ông đến nơi thì cô mới qua đời hai tuần trước.  Cô mất lúc 61 tuổi. Anh của cô nói với Tiến sĩ Steveson rằng trước khi mất mấy ngày cô nói với anh là cô tin chắc mình sẽ không tái sinh trở lại nữa.

Hiện Tượng Thần Đồng

Nguyên Ngọc biên soạn

Thần đồng có nghĩa là trẻ con mà tài giỏi như thần. Người phương Tây gọi hiện tượng thần đồng là Genius hay Prodigy.  Genius do gốc La tinh trong huyền thoại La Mã có nghĩa là hồn ma (spirit) có quyền lực siêu phàm. Prodigy thì có nghĩa là trẻ con mà có tài năng phi thường, gần với chữ thần đồng của ta.  Trong thần thoại Ả Rập cũng có từ Djinn (dịch sang tiếng Anh là Genie) cũng có nghĩa là thần như câu chuyện Cây Đèn Thần, nghĩa là cả Đông lẫn Tây đều tin rằng mới sinh ra chưa được học hỏi gì mà trẻ con đã hiển lộ tài năng xuất chúng tức là phải có một vị thần linh hộ mạng hướng dẫn.

tai sinh 3

Phật giáo, với luân hồi, thì giải thích hiện tượng không học mà biết, hay thần đồng chỉ là sự nhớ lại những tài năng, những hiểu biết tích tụ từ nhiều đời nhiều kiếp thôi như câu chuyện vị nữ chủ trụ trì của một chùa Tây Tạng ở Poosville, Maryland hiện nay.  Cô lớn lên ở một xóm nghèo (ghetto) ở Brooklyn, New York.  Mẹ là người Do Thái làm công cho một tiệm bán thực phẩm, cha ghẻ là người Ý lái xe truck.  Cả hai đều ít học, hay say sưa và hay đánh đập cô từ hồi cô còn bé.  Cô không được dạy dỗ trong một niềm tin tôn giáo nào.  Khi thì mẹ bắt cô bé đi nhà thờ Do Thái, khi thì cha kéo cô đến nhà thờ công giáo.  Đến năm 17 tuổi, cảnh sát địa phương khuyến cáo cô không nên ở cùng nhà với cha mẹ sợ nguy hiểm đến tính mệnh.  Và cô đã trốn nhà đi về miền nam sinh sống.  Sau đó cô lấy chồng và sinh được hai con.  Cô thường thích chuyện trò với hàng xóm về ý nghĩa của cuộc đời, về lẽ sống, và chân lý sống.  Cô nói chuyện có duyên và đề tài mới lạ nên dần dần nhiều người khác trong vùng đến nghe.  Số người đến càng ngày càng đông và cuối cùng thì họ yêu cầu cô mở một lớp giảng dạy thường xuyên.  Đồ đệ càng ngày càng nhiều.  Người ta thích nghe những bài giảng của cô mà sau này cô mới biết là cô đã nói Pháp, những bài pháp thoại Mật tông Tây Tạng. Vì cả đồ đệ lẫn giảng sư đều không biết gì về Phật giáo cho nên họ gọi nơi tu học của họ là Trung Tâm Khai Hóa và Nghiên Cứu Đời Sống Mới (Center for Discovery and New Life).  Mấy năm sau cô gặp một vị Lạt Ma Tây Tạng cho biết cô là hóa thân của một vị Lạt Ma  ở thế kỷ XVI. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng chính thức thừa nhận cô là vị Lạt Ma hóa thân.  Cô được đổi tên là Jetsunma*.  Sau một chuyến viếng thăm Tây Tạng, trung tâm sinh hoạt của cô được đổi thành ngôi chùa Tây Tạng.  Ngôi chùa này ở Poosville, Maryland cách Washington DC chừng 40 dậm.

Giới khoa học Tây phương cứ cố tìm cách giải thích hiện tượng thần đồng theo “khoa học”. Người thì nói nhờ bản tính thông minh di truyền cộng thêm với sự dạy dỗ ngày đêm của cha mẹ nên đứa bé học hành xuất chúng. Người thì cho rằng vì những hạch/tuyến (glands) lớn quá mức (hypertrophy) nên đứa trẻ có những tài năng bất thường, nhất là tuyến yên (pituary), tuyến tùng (pineal), và tuyến thượng thận (adrenal).  Nhưng có người phản bác rằng tại sao những tuyến này lớn phì ở đứa trẻ này mà không ở đứa trẻ khác?  Phải chăng vì nhân quả kiếp trước?  Và cũng thật khó mà tin rằng chỉ nhờ một tuyến nào đó phát triển khác thường mà chú bé Christian Henrich Heineken sinh năm 1721 ở Lubec, Germany, sau khi sinh ra vài giờ đã biết nói.  Được 10 tháng thì chú có thể góp chuyện với người lớn được vì chú biết rành rẽ mọi đề tài.  Một tuổi đã thuộc lòng nhiều đoạn trong kinh thánh, hai tuổi đã biết rành rẽ về lịch sử và địa lý, ba tuổi thì nói được tiếng Pháp và tiếng La Tinh, và khi lên bốn tuổi thì theo học một khóa triết ở cấp đại học.  Chú bé John Stuart Mill, một thần tài về kinh tế của nước Anh sinh năm 1806.  Mới ba tuổi John đọc được tiếng Hy Lạp.

tai sinh4

Một chú bé khác nổi tiếng khắp nước Mỹ là William James Sidis. Chỉ mới hai tuổi, William đã biết đọc, biết viết.  Lúc năm tuổi thì nói được  tiếng Pháp, Nga, và Đức.  Lên sáu tuổi thì chú thành thạo tiếng Hebrew, Hy Lạp và La Tinh.  Chỉ trong vòng sáu tháng chú học hết chương trình bảy năm tiểu học.  Khi lên tám tuổi thì  chú đã thông thạo chương trình toán của cấp đại học.  Sau hai năm từ chối không nhận William vào trường vì chê chú nhỏ quá nhưng khi chú mười một tuổi thì Đại Học Harvard chính thức nhận chú vào trường.

Khoa học không thể chứng minh hay chưa chứng minh được những hiện tượng tái sinh luân hồi, thần đồng, hay nhớ lại kiếp trước.  Trí thông minh của con người rất hữu hạn, không thể hiểu hết mọi sự việc trong vũ trụ. Nhưng cũng không thể vì thế mà chối bỏ những chuyện mình không hiểu, không thấy là không có thật.  Ngay cả chuyện có thật 100% như chuyện quả đất tròn, chuyện ông Gallile khám phá ra mặt trăng của Jupiter cũng bị người thời bấy giờ chối bỏ cho là không thật.  Đôi mắt trần tục của con người không thể nhìn thấy vi trùng nhưng không thể nói vi trùng không có. Nhiều tiếng động chỉ nghe được nếu có máy móc.  Thính giác của con chó nhạy hơn thính giác của người.  Khứu giác của chó cũng nhạy hơn của người, v.v…

Ngày nay hầu như xã hội nào cũng tin có nhân quả luân hồi, kể cả đa số người Mỹ. Nghiệp báo, tái sinh hiện là một đề tài nóng bỏng trong giới khoa học tây phương.  Có cả hằng ngàn tài liệu, sách vở nghiên cứu về hiện tượng thần đồng, hiện tượng nhớ lại kiếp trước, kiếp sau mà hai chuyên gia nổi tiếng nhất là bác sĩ Raymond A. Moody và Tiến sĩ Ian Stevenson. Sau nhiều năm nghiên cứu và chứng kiến nhiều trường hợp tái sinh, bác sĩ Brian L. Weiss đã viết trong cuốn “Many Lives, Many Masters” rằng con người sinh ra không bình đẳng vì khi ra đời, con người mang theo những tài năng đặc biệt, những kiến thức được tích tụ từ nhiều đời (People are born with talents, abilitites, and powers accrued from other life times).

Sau đây là một câu chuyện nhớ lại kiếp trước của một bé gái người Mỹ có tên “Là Một Quân Nhân Tôi Chiếm Cửa Thành” được trích ra từ cuốn “Reincarnation, A New Horizon in Science and Society của hai tác giả, giáo sư Sylvia Cranston chuyên gia khảo cứu về luân hồi và giáo sư Carey Williams, chuyên dạy về Y tế, phụ trách nhiều lớp giảng dạy về sự sống chết của con người.

Là Một Quân Nhân Tôi Chiếm Cửa Thành

Câu chuyện sau đây được giải thưởng hạng nhất trong một cuộc thi toàn quốc với chủ đề “Một sự trùng hợp lạ lùng mà tôi biết.”  Cuộc thi này do tạp chí The American Magazine tổ chức được đăng trong số tháng Bảy, năm 1915.  Nội dung câu chuyện ngắn có thực này do một thiếu phụ sinh sống tại Minneapolis kể.  Tình tiết của câu chuyện được xem như những tài liệu lịch sử được lưu trữ cho đến ngày nay.  Bà này kể lại chuyện của cô em gái bà như sau:

Anne, cô em cùng mẹ khác cha của tôi nhỏ hơn tôi 15 tuổi, là một đứa trẻ kỳ lạ ngay từ hồi còn nhỏ.  Nó không giống một ai trong gia đình.  Da em ngăm ngăm trong khi mọi người khác đều trắng trẻo theo dòng dõi Tô Cách Lan-Ái Nhĩ Lan của cha ông.  Khi  mới biết nói rành rẽ, nó thường kể những câu chuyện có vẻ hoang đường về nó.  Vì thấy khá ngộ nghĩnh, tôi đã ghi lại những lời của nó trong nhật ký của tôi.  Mẹ tôi rất bận rộn nên trao cho tôi nhiệm vụ trông coi bé Anne.  Một đứa trẻ ở lứa tuổi như nó không thể nào biết thêu dệt những câu chuyện hoang đường.  Vả lại với trí óc non nớt, nó không thể nào hiểu được những việc đại loại như thế.  Điều đáng nói nữa mọi việc nó làm hầu như khác hẳn cung cách của một đứa trẻ 3 tuổi.  Ví dụ nhìn cách nó cầm ly sữa lên tay uống cạn một hơi như người lớn thì ai cũng thấy buồn cười.  Mẹ tôi cũng thường la rầy nhưng nó chỉ rơm rớm nước mắt bảo: “Mẹ à, xưa nay con vẫn quen làm như thế.  Con không thể nào làm khác được.”  Riết rồi không ai để ý đến cung cách ăn nói, suy nghĩ, hành động như bà cụ non của nó nữa mà chỉ chấp nhận nó có thói quen khác với nhũng đứa trẻ đồng lứa tuổi.  Năm lên bốn, một hôm cha tôi làm Anne phẫn uất điều gì đó, nó tức mình ngồi ngay dưới đất trước mặt chúng tôi và bảo rằng nó muốn đi xa!  Cha tôi trêu ghẹo hỏi:

–  Trở về thiên đường, nơi mà con từ đó đến đây hả?”  Anne lắc đầu:-

–  Không, con không đến từ thiên đường” và thản nhiên nói tiếp:

–  Trước tiên con sẽ lên mặt trăng.  Cha có biết gì về mặt trăng không? Trên đó cũng có người, nhưng muốn lên rất khó”.  Tôi lấy bút ghi vào nhật ký.  Cha tôi hỏi tiếp:

–  Vậy con từ mặt trăng đến với chúng ta à?

–  Ồ không phải.”  Nó trả lời một cách điềm tĩnh.

–  Con đã ở đấy nhiều lần, có khi là đàn ông, có khi là đàn bà.”  Vẻ bình thản của nó khiến cha tôi bật cười làm nó tức giận.  Nó không thích bị diễu cợt.

–  Đúng vậy, đúng vậy.”  Nó phản đối ngay và nói tiếp:

–  Một lần con đã đến Gia Nã Đại.  Lúc đó con là đàn ông.  Con còn nhớ cả tên con nữa.”  Cha tôi chế nhạo:

–  Ái chà, ái chà! Một đứa con gái nhỏ ở Hoa Kỳ lại là một người đàn ông Gia Nã Đại.  Thế con còn nhớ tên gì không.”  Không để ý đến giọng châm biếm của cha tôi, nó suy nghĩ một chút rồi nói:

–  Lishus Faber” nó nhắc lạ tên này và cả quyết là nó nhớ đúng. Tôi ghi lại trong nhật ký của tôi tên Lishus Faber.

–  Này Lishus Faber, thời đó anh làm nghề gì?” Cha tôi hỏi nó với điệu bộ diễu cợt nhưng nó nghiêm trang trả lời:

–  Con là quân nhân và con đã chiếm được cửa thành! Giọng nó có vẻ cao ngạo của một người thắng trận.

Tất cả đã được tôi ghi vào nhật ký. Rất nhiều lần chúng tôi cố gạn bắt nó giải thích những câu nói của nó nhưng nó chỉ nhắc lại những lời ấy và có vẻ tức giận tại sao chúng tôi không chịu hiểu.  Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm tài liệu nhưng cũng không đi đến đâu.  Có người khuyến khích tôi tìm hiểu lịch sử Gia Nã Đại và tôi cũng đã bỏ một năm nghiên cứu với hy vọng tìm thấy một trận chiến nào đó có người lính chiếm được cửa thành.  Nhưng tất cả đều vô vọng cho đến một hôm một quản thủ thư viện giới thiệu một cuốn sách dày cũ và rất ngộ nghĩnh với chữ s’s viết giống như chữ f’s.  Đã một năm qua tôi thất vọng trong công việc tìm kiếm thì giờ đây cuốn sách cổ xưa rất sống động với nhiều hình vẽ và nhiều chuyện ngắn đã giúp tôi tìm được câu chuyện thật bất ngờ.  Câu chuyện nói về thành tích chiến đấu cuả một đội quân nhỏ đánh chiếm một thành phố cũng chẳng có gì quan trọng. Chuyện thuật  một viên trung úy trẻ với toán quân của ông với dòng chữ hiện ra trước mắt tôi, “Chiếm Cửa Thành”.  Tên của viên trung úy là Aloysius Le Febre trùng hợp với tên và câu nói của đứa em gái nhỏ ngây thơ của tôi đã nói với cha tôi trước đây!

Về việc em gái tôi nói con người đã có lần sống trên mặt trăng tuy là kỳ lạ nhưng theo quan điểm của các nhà thông thiên học, sự việc rất có thể là thực vì mặt trăng trước đây là một hành tinh có người sinh sống. Điều đáng chú ý là giờ đây người ta đã khám phá ra rằng những viên đá do các phi hành gia mang về từ mặt trăng đều đã có lâu đời hơn các viên đá hiện tại trên mặt đất.

Nguồn : Nhóm Chân Trần

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.