Một buổi ở Tiền Giang (kỳ 2)
Bài và ảnh: Trần Công Nhung
Thầy Bá Tòng hát bài “Trường Cũ Tình Xưa,” ngày trước anh là giáo viên Nguyễn Đình Chiểu, mới hưu mấy năm nay, anh chìa cuốn QHQOK của tôi giới thiệu với cô giáo văn phòng, nên mọi việc dễ dàng. Vừa đúng giờ ra chơi, những tà áo trắng thong dong qua lại trong sân trường. Tôi có cảm giác như được sống lại thời xa xưa, thời cắp sách đến trường, thời mỗi ngày bốn tiếng với phấn trắng bảng đen.… Thấy trong người cũng hay hay.
Bàn thờ và chân dung Nguyễn Huỳnh Đức
Trường Nguyễn Đình Chiễu vẫn còn nguyên hai dãy lầu hai bên, kiến trúc cùng một nét như trường Đồng Khánh (Huế), Gia Long (Sài Gòn). Vẫn màu vôi vàng nhạt. Trước 1975 trường dành riêng nam sinh, nay chung cho trai lẫn gái. Sân trường khá rộng và dưới dạng một hoa viên, nhiều cây cao bóng mát, bãi cỏ xanh… có ghế đá do cựu học sinh tặng, rải rác đây đó. Cách trang trí sân trường không khô khan cứng ngắc. Duy chỉ có Bia Truyền Thống to tướng ngay giữa sân là thiếu nhịp nhàng. Anh bạn cho biết trường được chỉnh trang và xây thêm dãy nhà ngang phía trong. Tuy có mở rộng, nhưng nét kiến trúc không thuần nhất, kim cổ chõi nhau. Cổng vào trường như cổng vào khu công sở, quân trường, không cổ kính như Đồng Khánh, Gia Long…
Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức
Dạo thăm và chụp ảnh một lúc, chúng tôi rời trường Nguyễn Đình Chiểu vòng ra bờ sông Tiền Giang, ngang qua công viên Thủ Khoa Huân, ngày trước là công viên Lạc Hồng. Tượng Thủ Khoa Huân quá lớn so với chu vi công viên. Thực ra đây chỉ là một đài kỷ niệm nhà trí thức khoa bảng và cũng là chiến sỹ chống Pháp, nhân vật lịch sử nổi bật của Mỹ Tho. Thủ Khoa Huân có đền thờ qui mô hơn ở Tân Hiệp.
Đường Trưng Trắc bên trái công viên, chỉ có một dãy phố nhìn ra sông Bảo Định. Bờ sông như một hoa viên kéo dài. Lối đi lát gạch đỏ, đặt nhiều chậu hoa, làm cho khu phố sáng hẳn lên. Một lối thiết trí ít thấy. Nghe nói trước đây dọc bờ sông toàn quán ăn nhậu, sau khi giải tỏa mới đẹp như hôm nay.
Qua cầu quay, ra đường Đinh Bộ Lĩnh, rẽ phải, có một ngư cảng tấp nập ghe thuyền đang đưa cá lên bờ, cá đánh từ biển Gò Công. So với Nha Trang ghe ở đây lớn hơn nhiều, lớn như chiếc tàu buôn. Nhân công đang đóng cá vào bội, nhiều xe tải chờ sẵn bên ngoài để bốc hàng. Vào bến cá không như vào chợ, chẳng ai chào mời mua bán, cũng không mấy ai tò mò hỏi han, có lẽ họ đã quen cảnh du khách qua lại quây phim, chụp hình. Mọi người đang nặng nhọc với công việc, tôi ghi nhanh hình ảnh rồi đi qua chùa Vĩnh Tràng.
Lăng mộ Thủ Khoa Huân
Hôm nay là ngày Vu Lan Thắng Hội, khách thập phương đi lễ đông nườm nượp. Chùa Việt mà nét Miên. Cổng chùa ba tầng, hoa văn trang trí tỉ mỉ công phu nhưng cao như một tháp đứng chứ không tam quan như những chùa miền Trung miền Bắc. Nhiều nhà sư đắp y vàng đang chụp hình kỷ niệm trước chánh điện, màu áo vàng của các sư làm cho cảnh sống động hơn lên. Nhưng, trước cổng chùa, hàng quán mua bán nhăng nhít, vui mà kém thanh tịnh.
Mỹ Tho sau 75 cũng có nhiều công trình xây dựng, chợ mới Mỹ Tho, 4 tầng chuyên bán tạp hóa, vải vóc bánh kẹo, nhưng ít ai lên tầng trên, hầm chợ giữ xe cũng thì dân bán hoa quả họp chiếm dụng. Chợ cũ dành chuyên bán thịt cá. Nét kiên trúc chợ cũ thấy vẫn hay hơn. Sinh hoạt chợ nào cũng lơ thơ bình bình, hầu như cả thành phố đều vậy.
Qua đường Lý Thường Kiệt, anh bạn chỉ ngôi nhà ngói ở góc đường bảo, “Nhà Tổng Thống Thiệu, nay Bí Thư Tỉnh ở.” Tự nhiên tôi có những cảm xúc xuôi ngược trong lòng. Mới đó mà đã 30 năm qua, đất nước cứ sình lên xẹp xuống, người ngoài nhìn vào không khỏi chê cười, cho dù có ngày đêm gào thét “Đất nước ta anh hùng, nhân dân ta anh hùng….” Thực sợ đã “đổi đời” mọi thứ không riêng gì con người, hôm nay đây mình còn không nhận ra huống nữa thế hệ con cháu về sau.
Chợ Mỹ Tho
Trung tâm thành phố có hai hồ lớn, chung quanh bờ là vuờn hoa, có lẽ đây là nơi mang nhiều nét văn hóa văn minh của Mỹ Tho. Song điểm nổi bật của Mỹ Tho ngoài trường Nguyễn Đình Chiểu còn mộ Thủ Khoa Huân. Ông là một danh sỹ được tôn sùng qua tài học và lòng yêu nước. Ông đỗ thủ khoa kỳ thi hương năm 1852 nên gọi là Thủ Khoa Huân.
Chia tay bạn, tôi về lại Long An theo QL4. Qua Tân Hiệp rẽ vào khu mộ Thủ Khoa Huân, từ quốc lộ vào hơn 3km.
Sân trường Nguyễn Đình Chiểu
Khu mộ rộng hơn mẫu Tây nhưng đền thờ không lớn. Chu vi rào tường cổng ngõ cẩn thận. Sân xi măng rộng có nhiều chậu kiểng Mai Chiếu Thủy rất giá trị. Kêu mãi không có ai. Hỏi thăm người đi đường cho hay, hằng ngày có người giữ ở phía sau. Trời nắng chói chang, trong ngoài không một bóng người, tạm nhìn qua cảnh quan rồi quay về, qua xã Khánh Hậu tôi vào thăm lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức.
Từ thị xã Mỹ Tho ngược về Sài Gòn, qua địa phận Khánh Hậu, có cổng xây lớn như cổng chùa, mé lộ bên trái, trên khắc hàng chữ “Lăng Mộ Nguyễn Huỳnh Đức.” Từ lộ vào khu lăng khoảng cây số. Đền thờ và Lăng nằm chung trong khu đất không lớn. Lăng nằm bên hông trái của Đền. Đặc biệt thành Lăng xây toàn bằng đá tổ ong, từ hơn trăm năm, vẫn còn nguyên vẹn, đá tổ ong có nhiều ở Quảng Ngãi mà ít thấy trong Nam. Trước lăng có một bình phong khắc bài văn chữ Hán màu đỏ, tiếp là Nhà Bia, rồi đến mộ phần. Lăng có nét đơn giản mộc mạc, không văn vẻ phức tạp như Lăng các vua triều Nguyễn.
Đền thờ cũng nhỏ gọn, bên phải là dãy nhà xây theo bây giờ, dùng để ở. Nhìn vào trong thấy cách thờ phượng theo lối thờ gia tiên. Tôi đang có ý muốn vào xem thì một người đàn ông đứng tuổi đi tới. Trông anh có vẻ như nhân viên làm việc.
Cổng trường Nguyễn Đình Chiểu
“Xin phép anh, tôi vào xem bên trong được không?”
“Dạ được.”
Anh mở cửa cho tôi vào. Trước hương án có bức họa lớn, anh cho biết chân dung này vẽ từ năm 1802 (1). Sau hương án là bộ ván gỗ quí, dày gần 20 phân, dài 3m80 rộng 1m80. Một chiếc ghế do vua Xiêm (Thái Lan) tặng lúc ông đi sứ năm 1797. Chiếc ghế làm bằng loại cây đen mun, chạm trỗ nhiều hoa văn, chiếc ghế của người xưa ngồi đọc sách chứ không phải kiểu ngai vàng. Bên hông bàn thờ còn chiếc mui kiệu, một con cọp nhồi bông…. hai bên cột trước điện thờ có hai khung dài như liễn, gắn nhiều chiếu chỉ ban khen từ các đời vua nhà Nguyễn. Tất cả là những di vật thời Nguyễn Huỳnh Đức làm Tổng Trấn Qui Nhơn, riêng con cọp do Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (VNCH) tặng. Đã thăm nhiều Đền, nhưng đây là lần đầu tôi được mục kích những di vật thực chứ không phải phục chế, tự nhiên tôi cảm thấy hãnh diện về công lao đức độ của người xưa, thấy tự hào về con người và đất nước Việt Nam.
Chùa Vĩnh Tràng
Ra ngoài tôi hỏi thăm người đàn ông:
“Anh là nhân viên trông coi ở đây?”
“Không, cháu là Nguyễn Huỳnh Thoại, hậu duệ đời thứ 7 của dòng họ Nguyễn Huỳnh.”
Tôi mừng rỡ vào ngay câu chuyện:
“Thế thì hay lắm, xin hỏi anh vài điều…”
“Dạ được, mời chú ngồi uống ly nước đã.”
“Việc trông coi Đền là do người trong giòng họ chứ không phải nhà nước?”
“Dạ đúng dzậy.”
“Thế hằng năm lễ bái không được trợ cấp gì sao?”
“Dạ không, mới kỳ rồi Văn Hóa tỉnh có sửa cho mái trước ngôi nhà thờ.”
“Ngoài đường lộ có 2 cổng lớn là do nhà nước làm?”
“Cổng đó là do Tỉnh Trưởng Năm làm trước 75.”
Tôi thấy Nguyễn Huỳnh như hai họ ghép lại?
“Dạ chú nói đúng, hồi trước nguyên là họ Huỳnh, ông bị Vua Quang Trung bắt làm việc với triều Tây Sơn 7 năm (từ 1793), đến năm 1800 trở về với Vua Gia Long, sau đó được Vua ban cho họ Nguyễn,” (2)
“Các hậu duệ đời trước anh, còn ai không?”
“Dạ, còn một vài người đời thứ 6 nhưng ở xa đây.”
Tôi thấy trong đền còn lại nhiều cổ vật, liệu người nhà tự lo có an toàn không?
“Dạ, phải ráng giữ. Chiếc ghế, Thái Lan đã nhiều lần hỏi mua nhưng bổn tộc không bán.”
Đã quá trưa, tôi phải quay về nghỉ để chiều đi Cái Bè. Ra đường lộ, nhìn lại cổng Lăng Nguyễn Huỳnh Đức, tự nhiên tôi liên tưởng so sánh cách quản lý di tích hai miền Bắc Nam. Miền Bắc hầu như lớn nhỏ gì cũng đưa vào khai thác kinh doanh, miền Nam tự do thoải mái hơn. Di tích lịch sử là những bài học cụ thể cho con cháu đời đời, làm sao phổ cập và khuyến khích mọi người nên tìm hiểu học hỏi, có vậy mới không phụ lòng các bậc tiền bối đã cống hiến hy sinh đời mình cho đất nước.
Tượng Thủ Khoa Huân
(1) Nguyễn Huỳnh Đức sinh 1748 mất 1819. Ngày giỗ mồng 8 tháng 9 âm lịch. Ông xuất thân từ một gia đình quan võ, ông nội là Huỳnh Châu, cha là Huỳnh Lương đều theo phò chúa Nguyễn và đều được phong chức Cai đội. Năm 1731, cha và ông nội theo Điều Khiển Trương Phước Vĩnh tham gia dẹp loạn Sá Tốt. Sau khi cuộc nổi loạn được dẹp yên, vua Chân Lạp hoảng sợ và xin đem hai vùng đất là Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) dâng chúa Nguyễn. Để tiện việc coi giữ, chúa cho lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, bổ nhiệm ông làm quan lại rồi đưa thêm dân Việt đến khai hoang lập nghiệp. Từ đó, gia đình ông ở lại khai khẩn và lập nghiệp tại vùng Vũng Gù.
(2) Năm Nhâm Dần (1782), ông được phong chức Tiền Quân. Từ đó về sau, cuộc đời ông gắn chặt với chúa Nguyễn. Có lần, Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đến Định Tường thì bị sa lầy, chỉ mỗi một mình ông dám trở lại cứu chúa. Lúc ấy trời vừa chạng vạng tối, quân Tây Sơn sợ bị mai phục nên rút lui. Trong đêm đó, vì quá mỏi mệt, Nguyễn Phúc Ánh đã gối đầu lên đùi ông ngủ mê man…Cảm động, Nguyễn Phúc Ánh ban cho ông “quốc tính” và xem ông như người trong hoàng tộc. Từ đó ông mang tên là Nguyễn Huỳnh Đức.
Trần Công Nhung.