CHƯƠNG 6
Bố ơi là bố
–
Ôi! Trời hại ta! Trời hại ta!
Khổng tử10
Tôi về đến nhà khoảng 9 giờ tối. Vừa vào đến cổng thì nghe thấy tiếng bố mẹ tôi đang cãi vã gì đấy về tôi. Tôi chẳng lạ gì những cuộc cãi vã như vậy, đại để bố tôi vận câu tục ngữ “con hư tại mẹ” để chỉ trích việc mẹ tôi nuông chiều tôi. Mẹ tôi vặc lại phê phán cách giáo dục theo phương pháp tự nhiên của bố tôi. Bố tôi có quan điểm giáo dục hơi giống như tay đại tá về hưu hiệu trưởng ở trường phổ thông trung học của tôi ngày nào: “Trẻ con nhìn chung không có trẻ con hư, nguyên tắc giáo dục rốt ráo là tha bổng”. Ở đây, bố tôi chỉ thay từ “tối cao” của tay cựu pháo thủ râu ria kia bằng từ “rốt ráo” mà thôi. Mẹ tôi chì chiết về “sự tự nhiên bản năng” ở con người và ám chỉ gì đó về chuyện trăng hoa lăng nhăng của bố tôi hồi trẻ. Bố tôi là người không phải hoàn hảo và tôi thực sự thông cảm điều đó, tôi chẳng mảy may ngờ vực gì về lòng tận tụy của bố tôi với mẹ và với chúng tôi. Tuy nhiên, mẹ tôi là người ghen tuông kinh khủng. Dây cà ra dây muống, những chuyện như thế là “chuyện thường ngày ở huyện” tôi chẳng lạ gì.
Tôi vào nhà và cảm thấy ngay lần này câu chuyện có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi vừa mới cất xe máy thì mẹ tôi đã té tát mắng tôi ngay. Mẹ tôi rất cương trực và thẳng tính, không bao giờ giữ kín được một chuyện gì. Chỉ qua dăm ba câu mắng của mẹ tôi là tôi đã ý thức được ngay tình cảnh của tôi thảm hại thế nào. Hóa ra khi biết tôi chuồn khỏi trường giữa giờ nghỉ giải lao buổi sáng, con Liên lùn lớp trưởng đã điện thoại báo cho mẹ tôi biết về số buổi nghỉ học của tôi. Thêm một chuyện nữa là tôi đã không đóng tiền học phí, số tiền này khá lớn (khoảng 800 nghìn đồng). Tôi không nhớ tôi đã tiêu nó vào việc gì. Khoản tiền này sinh viên phải trực tiếp đóng cho phòng Tài vụ kế toán ở trường. Tôi cứ tưởng rằng người ta sẽ quên nó đi nhưng tôi đã đánh giá quá thấp nghiệp vụ của mấy bà già ở cái phòng đếm bạc chết tiệt ấy. Lại nữa, khi kiểm tra số tiền cất trong tủ quần áo, mẹ tôi nhận ra bị mất 500 nghìn đồng. Tôi phải nói rằng cái tủ quần áo là một cái tủ thổ tả, hớ hênh không tưởng tượng được. Cái tủ này vốn là cái tủ do tay giáo viên chủ nhiệm lớp 12 mà anh trai tôi từng học đóng. Ông giáo nghèo ở trường phổ thông trung học làm thêm cả nghề thợ mộc. Để gây thiện cảm với ông ta, để tránh cho thằng anh quý tử của tôi khỏi bị khiển trách gì đấy, bố tôi đã hào phóng mua cái tủ ấy với giá hơn mức phải chăng. Tủ với chẳng tiếc, chỉ xô một cái là ngã bổ chửng. Đáng ra bố tôi phải vứt cái tủ ấy vào sọt rác từ lâu và thay bằng một cái tủ khác chắc chắn hơn thì đâu đến nỗi biến tôi thành tên tội phạm? “Không có lửa sao lại có khói”, nhiều khi thói keo kiệt bủn xỉn và thói quen giữ đồ kỷ niệm của con người cũng là nguyên nhân gây ra những sai lầm của đồng loại. Tôi đã lấy 500 nghìn đồng này tiêu vào mục đích cực kỳ lương thiện: tôi mua một cái áo rét 300 nghìn đồng, còn 200 nghìn đồng thì tôi đã đóng góp vào quỹ giúp đỡ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Về việc này, tôi đã được Đoàn trường nêu tên biểu dương hẳn hoi trong tờ nội san ở trường.
Tôi không thể giải thích gì về tội lỗi của tôi. Bố tôi mắng té tát và tôi lẳng lặng cam chịu. Tôi cởi quần áo ngoài mắc lên mắc áo. Lần này sự tận tụy của mẹ tôi đã làm hại tôi. Thường thường, hễ tôi thay quần áo ra là mẹ tôi lập tức lấy đi giặt. Lần này cũng vậy, mặc dầu rất giận tôi nhưng do thói quen mẹ tôi cũng vẫn cứ lấy ngay bộ quần áo tôi vừa mới mắc vào mắc áo cho vào chậu giặt. Điều tai hại và khủng khiếp là sờ vào túi quần tôi, mẹ tôi phát hiện ra bao thuốc lá Vinataba mà tôi và thằng Thanh nhạn đang hút dở, ngoài ra trong đó lại còn có một cái xơranh (bơm kim tiêm) bẩn thỉu. Tôi không hiểu tại sao lại có cái xơranh này trong túi. Thằng Thanh nhạn hay một thằng chó đẻ nào đã hại tôi, nó đã lừa lúc tôi sơ ý để đút vào túi quần tôi.
Không thể tả nổi sự giận dữ của bố mẹ tôi. Có lẽ việc hút chích ma túy ngoài xã hội đã ám ảnh bố mẹ tôi thái quá. Bố tôi vụt tôi thẳng cánh bằng một cây gậy không biết lấy ở đâu ra. Tôi tránh được hai đòn đầu tiên nhưng đến đòn thứ ba thì không tránh được. Tôi òa khóc vì rất nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả sự ân hận vì những lỗi lầm mà tôi mắc phải. Mẹ tôi xô vào can ngăn bố tôi và đứng chắn đòn cho tôi. Bố tôi không thể làm gì tôi được và trút sự giận dữ lên đầu ba ông Tam đa Phúc Lộc Thọ bằng gốm đứng ở góc nhà.
Về bộ Tam đa bằng gốm này thì đấy là cả sự tích đáng kể. Bố tôi rất mê gốm, bản thân ông cũng từng là thợ gốm. Ở làng Cậy tỉnh Hải Dương có một ông lão thợ gốm tên là Đào đã hơn 70 tuổi rất khéo tay. Bố tôi chơi với ông lão và cùng ông lão làm ra một số vật phẩm. Cả hai đã mất cả một tháng trời để làm ra bộ Tam đa này. Khi vào lò thì ông Đào mất. Bố tôi rất thương xót và bỏ tiền ra khá hậu để giúp đỡ gia đình ông lão. Bố tôi còn mang cả bộ Tam đa ra mộ ông lão thắp hương. Bộ Tam đa khá đặc biệt vì kích thước khá lớn và có khuôn mặt thuần Việt chứ không giống như các bộ Tam đa của Tàu. Có thể nói rằng đây là một bộ Tam đa độc nhất vô nhị vì nó mộc mạc và thật kinh khủng. Bố tôi rất quý nó. Ấy thế mà vì giận dữ, bố tôi xô đổ cả ba pho tượng.
Tôi biết rằng thế là tôi hết đường! Còn Phúc Lộc Thọ nỗi gì! Tôi không thể biện hộ gì cho những sai lầm của tôi. Bố tôi đuổi tôi khỏi nhà! Bố ơi là bố! Tôi mặc vội bộ quần áo rồi bỏ chạy đi. Mẹ tôi đuổi theo, luôn miệng lắp bắp:
– Mẹ van con… Mẹ van con… Khuê ơi là Khuê… Tại sao con lại bỏ đi như vậy?
Tại sao ư? Tại sao thì tôi cũng chẳng hiểu tại sao như vậy? Như người ta nói, sai lầm dẫn tới sai lầm. Giống như trò chơi xếp hình đôminô. Chỉ là một cú hẩy nhẹ của số phận là bắt đầu cho những phiêu lưu… Con người, bạn thấy không, thật điên rồ và vô nghĩa lý chẳng ra quái gì…
CHƯƠNG 7
Hà Nội ban đêm
– Đ. mẹ! Tao yêu Hà Nội quá chừng!
– Nói khẽ thôi, Hà Nội nó nghe thấy đấy…
Sinh viên trò chuyện
Tôi không phải là người hay đi chơi đêm ở Hà Nội. Thường thường, tôi vẫn về nhà khá sớm. Hôm nào có hội trường thì chỉ 11 giờ đêm là tôi cũng đã về nhà. Tôi chưa có “em”, không phải vì tôi không thích điều ấy mà chẳng qua vì (như người ta nói) chưa bén nhân duyên với ai đấy thôi. Những đứa con gái mê tôi (trong đó có con Huyền mờ, tôi hứa sẽ để cả một chương sách để viết về nó) thì đều vô duyên thế nào ấy. Ở nhà hay về khuya nhất thường là thằng anh trai tôi. Gần như hôm nào hắn cùng về nhà tận 11 rưỡi hay 12 giờ, thậm chí có hôm tới 2 giờ sáng. Tôi rất khó chịu vì nếu về quá muộn hắn bao giờ cũng tìm cách đến phòng tôi nhờ tôi mở cửa, hắn không dám đánh thức bố mẹ tôi dậy. Rất quái ác, hắn vẫn hay dùng một cây gậy thò qua cửa sổ khua loạn vào người tôi, có lần hắn thúc cả vào quai hàm tôi đau điếng. Cũng không thể phàn nàn gì về những lần về quá muộn của thằng anh tôi, hắn vẫn đi làm thêm ở xưởng thạch cao của một người bạn. Đại để họ vẫn hay đổ những phiên bản tượng thần Vệ nữ cởi truồng, sư tử hí cầu và hoa văn trần nhà cho bọn trưởng giả học đòi làm sang.
Tôi rất ghét bóng đêm. Các đường phố Hà Nội thì tôi cũng chẳng lạ gì: bẩn thỉu và lộn xộn đến lộn mửa. Nhắm mắt lại, chỉ ngửi thấy mùi hôi là tôi biết ngay đấy là phố nào. Bạn không tin ư? Phố Bạch Mai có mùi hôi của chợ, phố Đồng Xuân có mùi hôi của áo quần, phố Hai Bà Trưng có mùi hôi của hàng điện tử… Đại để như thế. Tôi có cái mũi rất thính, có lẽ vì tôi tuổi Chó.
Bị đuổi khỏi nhà, đây là lần đầu mà tôi có dịp ngao du Hà Nội ban đêm. Qua 12 giờ, Hà Nội có một vẻ yên tĩnh và dịu dàng không thể tả được. Tôi không ngờ ban đêm Hà Nội lại đẹp như vậy. Những đường phố trải nhựa vắng lặng trông như những mặt sông mà hai bên bờ là những dãy nhà cao thấp đang thiêm thiếp ngủ. Phảng phất mùi hoa mộc lan ngát hương. Bóng tối làm mất đi những đường nét kiến trúc khả ố của các ngôi nhà ban ngày nên rất dễ chịu. Bâng khuâng và cô đơn không thể tưởng được. Thỉnh thoảng lại có những âm thanh nặng nhọc của một chiếc xe ôtô chở hàng vút qua phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng gây ra một cảm giác thật bồn chồn. Tiếng còi tàu đêm gấp gáp và hồi hộp. Ánh sáng của những bóng điện vàng khè hắt xuống mặt hè phố loang lổ. Tôi thấy nao cả người. Tự nhiên tôi thấy kính nể và hãi sợ Hà Nội, không phải vô cớ mà người ta gọi đây là đất thánh, gọi đây là mảnh đất linh thiêng.
Xung quanh Hồ Gươm yên tĩnh. Tháp Rùa trầm mặc đứng lẻ loi. Bóng tối của những lùm cây tỏa xuống mặt hồ đen thẫm. Quả thật, nếu không bị đuổi khỏi nhà thì tối hôm nay với tôi đúng là một tối thần tiên! Tôi đã phát hiện ra một Hà Nội khác, nếu ví von thì có thể ví như một thiếu nữ mới lớn lần đẩu khỏa thân phát hiện ra bộ ngực non tơ của mình. Nhưng thôi, tôi đang là một tên du thủ du thực không chốn nương thân. Ngực với cả ngực! Bây giờ bụng tôi đang đói cồn cào. Thường cứ ba tiếng đồng hồ là tôi phải tọng một thứ gì đấy vào mồm. Tính từ khi ăn bát phở với thằng Thanh nhạn lúc 3 giờ chiều thì đến bây giờ đã 12 tiếng đồng hồ tôi phải nhịn suông!
Biết là không có nhưng theo thói quen tôi vẫn thò tay vào túi quần, túi áo tìm tiền. Như có phép lạ: túi áo tôi có tờ hai chục nghìn đồng! Tôi chợt nhớ khi chạy ra cửa, mẹ tôi đã giúi vào ngực tôi một cái. Mẹ ơi mẹ, con kính lạy mẹ, mẹ thật là một thiên thần! Tôi cũng không hiểu tại sao trong tình thế nước sôi lửa bỏng khi tôi bị bố tôi đánh và tôi gần như phải cướp lấy bộ quần áo để mặc vào người, thậm chí bây giờ cúc áo tôi còn cài lệch – thế mà mẹ tôi vẫn cho tiền được vào túi áo của tôi thì thật thần tình! Mẹ tôi lấy tiền ở đâu, tại sao lại đoán được bố tôi sẽ đuổi tôi, tại sao biết tôi sẽ lao ra cửa bỏ chạy? Thật là bí hiểm! Đúng là ảo thuật một trăm phần trăm! Tôi không thể tin được tại sao mẹ tôi có thể kỳ diệu hoàn hảo đến như ngần ấy?
Gì thì gì, con kính lạy mẹ, với hai chục nghìn đồng là mẹ đã cứu con thoát khỏi địa ngục trầm luân đêm nay. Tôi khoái vô cùng và quên béng tất cả mọi nỗi tủi hổ, ân hận cũng như mặc cảm trong lòng mà tôi mang nặng suốt buổi tối bất hạnh đáng ghi nhớ ấy!
Tôi rời chiếc ghế đá bên bờ Hồ Gươm rồi đi vào phố tìm quán ăn đêm. Khu phố cổ Hà Nội không thiếu những tiệm ăn mở thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, với số tiền còm cõi này thì tôi đừng mơ đến một suất ăn tử tế. Mèng ra một suất bit têt salat ở trong tiệm ăn cũng tới hai mươi nhăm nghìn. Nói đến bittêt là tôi thấy ứa nước miếng. Tôi đã từng ăn bittêt ở tiệm ăn Thọ lùn. Thịt bò ở đây là thứ thịt bò được thửa từ trong những lò mổ ở làng Chuông tận trong Chương Mỹ Hà Tây. Người ta chọn ra những con bò non để làm bit têt. Tôi đã trông thấy chính tay ông lão Thọ lùn lọc thịt. Thật hệt như một nghi lễ: những miếng thịt bò tươi được cắt thành từng khẩu như đậu phụ được ông ta lách dao vào để xẻ đôi ra. Con dao phay nằm nghiêng đập nhẹ lên miếng thịt đặt ngay ngắn giữa thớt, trăm miếng miếng nào cũng như nhau không rắn quá mà không nát quá. Tiệm ăn của ông Thọ lùn giữ được uy tín hàng chục năm trời về món bit têt bởi khâu nguyên liệu chọn rất kỹ càng. Bố tôi thường đãi những người bạn Pháp của ông ở tiệm ăn này. Bố tôi là người sành ăn và tôi thừa hưởng được truyền thống ấy.
Tôi đi lang thang để tìm một chỗ bán xôi. Chỉ ba nghìn đồng tiền xôi là đầy dạ dày. “Liệu cơm gắp mắm”, tôi không thể tiêu hoang lúc này. Tôi cũng không biết ngày mai, ngày kia tôi sẽ ở đâu. Khi lập lá số Tử vi bố tôi vẫn bảo số tôi có quý nhân phù trợ. Trước mắt, tôi vẫn chưa biết sẽ có quý nhân nào phù trợ cho không, cho đến lúc gặp ông ta (hay bà ta) tôi vẫn cứ phải lo cho thân tôi trước đã.
Quán xôi thịt ở ngay trong ngõ Tạ Hiền. Mùi xôi thơm phức, ấm áp và mời mọc. Bọn đánh bạc khuya ngồi ăn như tằm ăn rỗi. Mấy cô diễn viên cải lương mặt trắng bệch ngồi ăn với các ông bầu, các ông bồ hoặc fan của họ. Có lẽ tất cả đều là khách quen. Trông họ có vẻ tự tin và rất phấn chấn. Những con vạc lấy đêm làm ngày này ồn ào kinh khủng, có người còn cười hô hố văng cả miếng xôi còn đang nhai dở trong mồm.
Tôi lựa một chỗ ngồi khuất đằng sau một cô diễn viên cải lương. Cô ta lập tức xích ghế lùi ra tựa như sợ chạm vào người hủi. Những dấu vết trang điểm xóa chưa hết ở môi và hai bên mắt khiến mặt cô ta giống như là mặt hình nhân. Mùi son phấn và nước hoa rẻ tiền nồng nặc. Tôi nhớ cô này hình như tên là Kim Chi, Hồ Điệp gì đấy chuyên đóng vai “đào thương”11 nghĩa là rất giỏi nức nở, lăn lộn ở trên sân khấu. “Ái khanh ơi, ái khanh ơi… Ái khanh nước mắt đầm đìa… Trăm năm duyên phận chia lìa lứa đôi...”. Từ nhỏ tôi đã không thể xực nổi thứ ấy. Thế mà bây giờ tôi phải ngồi đây, sát sàn sạt với giống xướng ca vô loài ấy và bị rẻ rúng như đồ chó ghẻ!
Tôi xơi một bát xôi to tướng chan nước thịt kho. Món thịt kho Tàu hấp dẫn tới mức tôi đành chặc lưỡi nói với chủ quán cho tôi một miếng. Miếng thịt lợn xắt to khá mềm, có vị hạt tiêu thơm nức và cay tê lưỡi. Tôi xơi hết một nửa lọ đu đủ xanh ngâm dấm khiến cô chủ quán phải nhăn mặt lại lắc đầu. Khi tính tiền, tôi thấy đau hết cả người vì hết những 14 nghìn đồng! Hóa ra giá cả ban đêm khác với giá cả ban ngày! Cũng may là tôi đã không xực thêm một quả trứng kho, nếu không tờ 20 nghìn đồng của tôi đi đứt. Tôi nhận lại số tiền lẻ rồi bỏ đi. Tôi buồn ngủ rã rời và đi về phía Nhà hát Lớn thành phố. Đây là ngôi nhà mà tôi ưa thích nhất ở Hà Nội.
CHƯƠNG 8
Nhà hát Lớn
Chỉ có gì nghiêm trọng mới đẹp.
A. P. Tchekhov12
Nếu ví Hà Nội giống như một thiếu phụ trong tranh phấn màu của cố họa sĩ Trần Đông Lương13 thì Nhà hát Lớn chính là cái vòng cổ giả ngọc trai buông duyên dáng trên bờ ngực bà ta. Tôi đã nghe bố tôi nhận xét về tranh của cố họa sĩ Trần Đông Lương. Theo bố tôi, đây là họa sĩ vẽ đàn bà tài nhất ở Hà Nội. Những thiếu phụ trong tranh của ông đều chấp chới giữa một vẻ đức hạnh giả tạo của một phụ nữ đoan chính và tiềm ẩn những khả năng lăng loàn của một con điếm thập thành. Đây là thế hệ đàn bà của những năm 60 trong thế kỷ XX ở Hà Nội. Tôi không biết nhận xét của bố tôi có đúng hay không nhưng theo nhận xét của tôi thì những vẻ đẹp của đám con gái “tự do” (tôi muốn nói đến những nguời phụ nữ phóng túng, và nếu có buông tuồng một chút thì cũng chả sao) bao giờ cũng ăn đứt vẻ đẹp cứng đơ và tê dại bởi nghĩa vụ ở những nguời đàn bà sống trong khuôn khổ. Điều này giống như những con thú sống trong Sở thú công viên và đám động vật hoang dã ở châu Phi vậy.
Trên kia tôi ví Nhà hát Lớn Hà Nội là cái vòng giả ngọc trai vì theo tôi biết đây chỉ là phiên bản thu nhỏ của Nhà hát Lớn Paris. Bố tôi đã đến thăm Nhà hát Lớn Paris và ông nói rằng đó là một thánh đường thực sự của nghệ thuật, không phải chỉ là nghệ thuật kiến trúc mà còn là nghệ thuật sống hướng về chân thiện mỹ. Nói gì thì nói, Nhà hát Lớn Hà Nội dù là hàng nhái và là sản phẩm của văn hóa thực dân thì vẫn tuyệt diệu như thường. Tôi đã từng được vào trong Nhà hát Lớn Hà Nội một lần nghe nhạc giao hưởng của Bach và gần như lịm đi mê mẩn cả người. Nếu có phàn nàn thì chỉ phàn nàn rằng chẳng có tiết mục của tác giả người Việt Nam nào công diễn ở đây lại ngửi được, kể cả Văn Cao14 thiên tài nhưng nghiện ngập lẫn Trịnh Công Sơn15 nỉ non bạc nhược, có phần bệnh hoạn.
Tôi đứng ở góc phố Tràng Tiền ngắm Nhà hát Lớn. Bóng những con thú đúc bằng gang giang hai cánh in thẫm ở trên nền trời đêm nhạt nhòa. Tôi không biết đấy có phải là những con ngựa Pigadơ không? Rất tiếc chẳng có cuốn sách nào miêu tả kỹ lưỡng Nhà hát Lớn Hà Nội như Viccor Hugo miêu tả Nhà thờ Đức Bà Paris. Bố tôi nói rằng Hà Nội không có những nhà văn có “phong cách Hà Nội” nhưng phong cách Hà Nội là cái khỉ gì thì ông lại tịt. Bọn người lớn (tôi biết tỏng họ) thường giấu diếm mình rất giỏi, bằng tất cả những phương tiện họ có: tiền bạc, quyền phát ngôn và trăm nghìn thứ khác. Bố ơi bố, chỉ sống thôi và con ngờ rằng ngay sự sống cũng vô nghĩa lý chẳng ra quái gì, nếu có ý nghĩa thật sự thì chỉ có cái chết là có ý nghĩa mà thôi.
Tôi rất buồn đại tiện và không có chỗ nào đại tiện tốt hơn là dưới những lùm cây xanh cạnh Nhà hát Lớn. Tôi bĩnh một bãi to tướng ngay chỗ bóng chóp nhọn cao nhất của Nhà hát Lớn hắt xuống lùm cây. Mặt đất ở đây đầy những viên đất nhỏ xíu tròn vo do những con giun đất đùn ra. So với thời gian biểu ở nhà thì tôi đi đại tiện sớm hơn một tiếng rưỡi, căn cứ vào sự chính xác của chiếc đồng hồ ở trên nóc nhà Bưu điện thành phố.(còn tiếp)
© Nguyễn Huy Thiệp