BÀI CHÒI XỨ ” NẪU”
Nguyễn Lệ Uyên
DẪN NHẬP
Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian, kể cả các nhà nghiên cứu nước ngoài vẫn từng khẳng định rằng: Dân tộc Việt Nam là dân tộc thi sĩ, dân tộc của thơ ca, của những làn điệu hát ví, hát dặm, hát ru, của những điệu lý điệu hò…
Tất cả những làn điệu dân ca, dân vũ ấy đã tạo nên một bản sắc rất riêng, rất độc đáo, thấm đẫm hồn dân tộc trong từng câu từng chữ, để cuối cùng nó trở thành những viên ngọc quý, lung linh, bàng bạc trong những áng thơ văn bất hủ của các đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… Vì vậy, ca dao dân ca được xem như là những viên gạch để đặt nền móng cho sự phát triển của thơ ca sau này. Đây cũng là điều giải thích tại sao người Trung Quốc luôn tự hào rằng dân tộc họ có một “tảng” Kinh Thi đồ sộ và rực rỡ. Cho nên những câu từ trong những bài thơ của Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Tô Đông Pha, Mạnh Hạo Nhiên, Thôi Hộ… luôn thấp thoáng hơi thở Kinh Thi:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu
(Quan thư – thơ Quốc Phong – Kinh Thi)
Dịch nghĩa:
Đôi chim thư cưu hót họa nghe quan quan
Ở trên cồn bên sông
Người thục nữ u nhàn
Phải là lứa tốt của người quân tử
Những cội nguồn mang đậm nét văn hóa riêng tư của mỗi dân tộc đã tạo thành những dấu ấn sâu đậm, nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác, để nền văn hóa, văn học của mỗi dân tộc, quốc gia thăng hoa. Chính những Odyssé, lliat cổ đại là những mạch nguồn khơi chảy cho nền văn học phương Tây phát triển rực rỡ sau này.
Luận về nền văn học quốc ngữ, trên tờ Văn Lang số 19, ra ngày 1.12.1934, nhà văn hóa học Đào Duy Anh đã nói rằng: “Trong văn hóa cũ của ta, tôi thấy về phần văn hóa bình dân còn nhiều điều khả thủ mà trong văn hóa bình dân thì tục ngữ ca dao là phần trọng yếu, cho nên tôi quý trọng tục ngữ và ca dao. Nếu ta nhận rằng: muốn kiến thiết văn hóa mới ta không thể không nghiên cứu văn hóa cũ thì sự nghiên cứu tục ngữ và ca dao, ta phải cho là cần thiết”.
Và trong lời đề tựa cho quyển Tục ngữ phong dao của mình, cụ Nguyễn Văn Ngọc cũng viết: “Ngày nay, ai là người đã lưu tâm đến quốc văn quốc túy mà không lo sợ rằng những câu lý thú tối cổ của ông cha để lại, mà tức là cái kho vàng chung cho cả nhân loại, nếu không chịu mau mau thu nhặt, giữ gìn lấy thì rồi tất mỗi ngày một sai suyển lưu lạc đi, thực rất là đáng tiếc. Đối với công việc sưu tầm bây giờ, thiết tưởng ta còn phải quý hồ đa trước, rồi nhiên hậu mới có nơi khảo cứu mà quý hồ tinh được”.
(Hát bài chòi xứ “Nẫu”)
Trong kho tàng văn học bình dân vô cùng phong phú của nước ta đã có nhiều học giả sưu tầm và nghiên cứu rồi công bố rải rác hoặc có hệ thống. Nhưng với bài chòi, có lẽ chỉ thu hẹp ở một khu vực, nên nói về nó, nghiên cứu về nó có vẻ như còn khá ít ỏi, mà trong những làn điệu dân ca chung, không thể không nhắc đến bài chòi: hô và đánh bài chòi, một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian rất gần gũi với tầng lớp nông dân ở nông thôn ngày trước.
Có gì là khác nhau giữa những câu ca dao như thế này:
Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi
Đến năm mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường gãy một còn ba…
Với câu hô bài chòi:
Hoa phi đào phi chúc
Sắc phi lục phi hồng
Trơ như đá, vững như đồng
Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao
Phất phơ cụm liễu cửa đào
Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi
Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
Sắc hay vương vấn mấy người tài danh
Có bông có cuống không có cành
Ở trong có nụ bốn vành có tua
Từ dân cho chí nhà vua
Ai ai có của cũng mua để dành
Tử tôn do thử chi sanh
Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi.
Giữa những câu ca dao và những câu hô bài chòi như vậy, nếu đem so sánh với những câu thơ của bà Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương thì đâu là ranh giới giữa văn chương bình dân và bác học? Và cũng khó mà lý giải, biện biệt, khi mà người bình dân nông thôn sẵn sàng biến đi một câu ca dao, thêm bớt một vài từ, đảo lộn một vài câu để làm thành câu hô bài chòi của riêng mình:
Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Liễu xa đào liễu ngã đào nghiêng
Anh xa em như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên
mới tái hồi
Năm canh lòng dạ anh bồi hồi
Không thương anh nữa cứ nói “thôi” cho rồi
Cớ sao để anh nhớ đứng, anh nhớ ngồi?
Như con chim nhớ ổ, như con cá vầy nhớ sông
Ba năm đi làm rể, em có biết không?
Nỡ nào làm đứt sợi tơ hồng đang xe.
Mười mấy năm sau Kim lại gặp Kiều
Còn em, chẳng lẽ để anh liêu xiêu vào chùa
(lá Cửu Chùa)
Vì vậy, bài chòi hiểu theo nghĩa thông thường, vừa chỉ một lối ca hát của người bình dân, vừa chỉ một trò chơi gần giống với bài bạc, nhưng không phải là cờ bạc. Nó diễn ra hoặc có tổ chức, hoặc lẻ tẻ và thảy đều có mục đích chung là giải trí mua vui, thông tin mọi sinh hoạt xã hội ở nông thôn trong khả năng và điều kiện có thể.
(Bài chòi giọng Quảng(nôm)
Hô hát và đánh bài chòi liệu có thể gọi là một trong số những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa cổ chăng? Nếu thế thì chúng hiện đang còn nằm rải rác trong tiềm thức của người bình dân đã một thời gắn bó, cùng buồn vui với những lời hô điệu hát này. Và nếu như chúng ta chịu khó khai thác, lau chùi đưa ra ánh sáng thì ắt sẽ hiểu được tính nhân bản trong cách chơi, một thú chơi rất tao nhã của giới bình dân ngày trước trong những ngày nông nhàn hay trong dịp tết.
Và cũng như hò khoan, hò giã gạo, hò đối đáp… bài chòi từng có chỗ đứng khá riêng biệt, trong một thời gian dài trong dòng văn học bình dân. Tuy vậy, theo thời gian, hô và đánh bài chòi hoặc đã phần nào bị biến dạng bởi sức tấn công của nhiều loại hình nghệ thuật khác, hoặc đã bị mai một theo năm tháng, để ngày nay, mỗi khi nhắc đến bài chòi như nhắc đến một câu chuyện cổ tích nào đó. Chẳng còn mấy ai biết, nhớ đến cách hô, cách đánh. Bởi vì: trong bối cảnh thời bấy giờ, khi mà nền kinh tế đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì các hoạt động nghệ thuật sân khấu, giải trí không thể tách rời khỏi quy luật chung của sự phát triển, để khắc họa mọi hoạt động của xã hội. Điều này sẽ phần nào lý giải tại sao nó vẫn có nhiều vết thô ráp trong những câu ca điệu hò. Cũng có thể ví nó như những viên ngọc chưa được gọt giũa vậy.
Và dẫu cho có nhiều ý kiến khác nhau, rằng bài chòi có nhiều khúc, nhiều đoạn thô thiển, dung tục của tầng lớp nông dân thấp kém không đáng để lưu tâm, nghiên cứu, phổ biến thì nó vẫn tồn tại và phát triển qua một thời gian khá dài, khá phổ biến ở một vùng văn hóa rộng lớn từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Trên tờ Tao Đàn số ngày 1.8.1939, trong bài viết Tục ngữ phong dao và địa vị của nó trong văn học, cụ Phan Khôi đã viết: “Trong hạng phong dao tả tình, những câu nói về trai gái hay vợ chồng chiếm một phần lớn chẳng khác trong Quốc phong của Kinh Thi bên Tàu… chưa nói đến cái hay chỉ nói đến cái nhiều, cũng đủ thấy chỗ đặc sắc của phong dao nước ta… Sau một hồi nghiên cứu tục ngữ phong dao, tôi thấy ra nó có cái địa vị trong văn học vững vàng mà rực rỡ lắm. vậy tôi muốn có nhiều người nghiên cứu thêm nữa có lẽ sẽ phát kiến nhiều cái trọng yếu và quý giá nữa chăng”…
Ít nhiều, bài chòi cũng mang nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống ở cả một khu vực rộng lớn, nếu như không được tái hiện thì chí ít cũng cần ghi lại tất cả những hoạt động này vào trang sách để các thế hệ mai sau còn biết đến một sinh hoạt văn hóa khá độc đáo của cha ông đã từng một thời vang bóng.
Theo chiều hướng này, chúng tôi cũng chỉ dám làm công việc bước đầu là sưu tập tư liệu và trình bày lại có hệ thống hơn, chứ không hề nghĩ rằng đây là một công trình biên khảo, nghiên cứu. Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các cụ ông, cụ bà, các nghệ nhân từng có một thời hát hô ở khắp khu vực Nam Trung Bộ đã tận tình giúp đỡ, cung cấp nhiều tư liệu quý giá để có thể hoàn thành tập sách nhỏ này.
Tất nhiên sẽ còn nhiều điều thiếu sót trong quá trình biên soạn. Ước mong được các bậc thức giả bổ sung và chỉ giáo cho những sai sót không thể tránh khỏi.
Tư Chơi Xóm Lò Heo Kontum
(người yêu xứ Nẫu sưu tầm và upload)
Nguồn :Xunauvn